Hàng loạt ca tai biến, bác sĩ cảnh báo hậu quả khôn lường sau tiêm filler ở thẩm mỹ viện 'chui'

Trong thời gian vừa qua, nhiều bệnh viện tại TPHCM, Hà Nội liên tục ghi nhận không ít các ca tai biến nguy hiểm; thậm chí tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Điều đáng nói, nhiều người có tâm lý chủ quan cho rằng tiêm filler (tiêm chất làm đầy) chỉ là phương pháp làm đẹp “xâm lấn nhỏ” trên cơ thể nên bất chấp nguy hiểm lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Gặp tai biến nặng sau tiêm filler

Theo đó, vào giữa tháng 4-2022, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết một nữ bệnh nhân 47 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt trái mất thị giác hoàn toàn sau tiêm filler để nâng mũi.

Bệnh nhân này cho biết trước đó đã tiêm filler nâng mũi tại chỗ người quen. Sau khi tiêm khoảng 10-15 phút, trong lúc tiến hành nắn sống mũi, bệnh nhân có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, co giật… Sau đó, bệnh nhân được người này tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm. Sau 4 tiếng từ khi tiêm filler, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Trước đó, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM, Hà Nội cũng tiếp nhận và xử lý các trường hợp bị biến chứng rất nặng nề do tiêm filler từ những cơ sở spa hay thẩm mỹ. Nhiều trường hợp bị tai biến tại các vùng trên khuôn mặt như gây tắc mạch khiến bệnh nhân bị sưng môi; tắc mạch gây hoại tử vùng mũi; tắc mạch và tổn thương vùng mũi, mắt, tai…

Một phụ nữ bị tai biến nặng sau tiêm filler nâng mũi. Ảnh: Minh Nhân

Tiêm filler vào cơ thể như con dao hai lưỡi

Trao đổi vấn đề này, TS. BS. Ngô Minh Vinh, Phó Trưởng bộ môn Da Liễu, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), cho biết tiêm filler (chất làm đầy) nghĩa là nâng mô của cơ thể lên, giúp tạo hình và xóa nhăn, bổ sung những khiếm khuyết mô của cơ thể. Chẳng hạn như gò má, hốc mắt bị trũng… có thể tiêm chất làm đầy lên để gò má căng, trẻ hóa ra bọng mắt hoặc ở rãnh mũi, má bị sâu muốn nâng lên cũng có thể tiêm chất làm đầy.

Hiện nay, chất tiêm filler được sử dụng là loại chất HA (Hyaluronic Acid) – acid tự nhiên, cơ thể sẽ tự tiêu theo thời gian. Trước đây, nhiều người thường tiêm chất làm đầy bằng silicon. Khi tiêm vào cơ thể sẽ giúp tạo hình, xóa nhăn nhưng nhược điểm là cơ thể không hấp thu, đào thải được. Việc tiêm chất silicon có thể gây ra các phản ứng viêm, xơ hóa, mô hạt…

Vì vậy, “sau này, các bác sĩ hạn chế dùng hoạt chất này mà sử dụng chất HA tự nhiên. Khi tiêm sẽ giúp tạo hình trên bộ phận mong muốn làm đẹp, xóa các nếp nhăn; đồng thời chất này tự đào thải trong cơ thể, không để lại các tác dụng phụ”, BS. Vinh cho biết.

Tuy nhiên, BS. Vinh cho rằng việc tiêm filler vào cơ thể như con dao hai lưỡi vì nếu sử dụng đúng cách sẽ giúp chị em phụ nữ trở nên đẹp hơn. Trường hợp áp dụng sai kỹ thuật sẽ để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Theo đó, khi tiêm filler vào vùng mô, trường hợp vô tình tiêm vào mạch máu, chất làm đầy gây nghẽn mạch máu. Những vùng mô thiếu máu sẽ dẫn đến hoại tử, gây ra lỡ loét. Vì vậy, chúng ta thường gặp một số trường hợp tiêm filler dẫn đến hoại tử ở những bộ phận như môi, mũi, tai…

Tiêm filler đúng cách sẽ giúp chị em phụ nữ trở nên đẹp hơn. Trường hợp áp dụng sai kỹ thuật sẽ để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Ngoài ra, tiêm chất làm đầy quá nhiều, đặc biệt khi tiêm vào vành tai, cạnh mạch máu nhỏ làm cho vùng mô căng ra. “Lúc này, các mao mạch rất nhỏ (đường kính khoảng dưới 1mm) bị đè ép và làm thiếu máu nuôi ở vùng mô. Sau khi tiêm, vùng da có thể thiếu máu, gặp tình trạng bầm tím, sau đó hoại tử, lỡ loét, gây ra sẹo; thậm chí để lại các di chứng khi không tiêm đúng kỹ thuật”, Phó Trưởng bộ môn Da Liễu, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch phân tích.

Để vừa đảm bảo an toàn vừa thỏa mãn được nhu cầu làm đẹp, BS. Vinh khuyến cáo người dân nên tỉnh táo đến các cơ sở thẩm mỹ có uy tín, đã được cấp phép; bác sĩ lành nghề, có giấy phép chứng nhận; sản phẩm sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng… để tránh những biến chứng nguy hiểm do tiêm filler.

“Người thực hiện tiêm filler phải là bác sĩ – ngay cả bác sĩ cũng chưa thể tiêm filler – mà phải qua lớp CME (Continuing medical education) chứng nhận thực hành biết về giải phẫu học, thực hành tiêm… thì mới có thể tiêm cho khách hàng”, BS. Vinh nhấn mạnh.

Bất kỳ cuộc phẫu thuật, xâm lấn trên cơ thể dù rất nhỏ đều có nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được thực hiện ở bệnh viện với bác sĩ có tay nghề cao, chuyên môn xử lý tốt thì khả năng gặp phải những biến chứng giảm xuống thấp nhất.