Hàng loạt hãng dược tăng tốc ứng phó với biến thể Covid-19 mới

Sự lây lan của Omicron (B.1.1.529) hiện đang trong giai đoạn đầu và chưa rõ mức độ nghiêm trọng đối với người đã tiêm vắc-xin đầy đủ khi nhiễm biến chủng này.

Các nhà sản xuất vắc- xin Covid-19 lớn trên thế giới hôm thứ Sáu ngày 26/11 cho biết họ đang tăng tốc điều tra và điều chỉnh các mũi tiêm cho phù hợp với một dòng vi-rút mới có tính đột biến cao. 

Trước đó cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã xuất hiện chủng vi-rút mới Omicron (hay còn gọi B.1.1.529), là một "biến thể đáng lo ngại" có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các đột biến trước đây của virus Covid-19.

Biến thể B.1.1.529 có tổng thể 50 đột biến, trong đó có đến hơn 30 đột biến trong protein gai. Protein gai là yếu tố giúp virus “mở khóa” xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người. Sự lây lan của B.1.1.529 hiện đang trong giai đoạn đầu và chưa rõ mức độ nghiêm trọng của một người đã tiêm phòng đầy đủ khi nhiễm biến chủng này.

Thế giới - Hàng loạt hãng dược tăng tốc ứng phó với biến thể Covid-19 mới

Một lọ vắc-xin Pfizer-BioNTech Covid-19. Ảnh: Getty Images

Các hãng dược phẩm đang làm gì trước biến thể mới?

Hãng dược phẩm Pfizer (trụ sở tại Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho biết đang điều tra Omicron và có thể điều chỉnh vắc-xin của họ một cách nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.

Công ty này cho biết: "Chúng tôi hiểu mối quan ngại của các chuyên gia về B.1.1.529 và đã ngay lập tức điều tra về biến thể này".

Pfizer-BioNTech cho biết họ mong đợi nhiều dữ liệu hơn từ các thử nghiệm phòng thí nghiệm chậm nhất trong vòng hai tuần, “Những dữ liệu này cung cấp thêm thông tin về việc liệu B.1.1.529 có là một biến thể thoát khỏi hệ thống miễn dịch và có cần điều chỉnh vắc-xin của hãng để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này hay không”.

Pfizer-BioNTech cho biết có thể điều chỉnh vắc-xin mRNA của mình trong vòng sáu tuần và bắt đầu vận chuyển các lô trong vòng 100 ngày nếu xác định được biến thể.

Hãng dược phẩm Johnson&Johnson hôm thứ Sáu thông báo: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các chủng virus Covid-19 mới xuất hiện với các biến thể đột biến trong protein của SARS-CoV-2 và đang kiểm tra tính hiệu quả của vắc-xin trong việc chống lại sự lây lan của biến thể mới được phát hiện lần đầu ở miền nam châu Phi".

Hãng dược AstraZeneca cho biết đang tiến hành điều tra biến thể này, đồng thời chia sẻ nền tảng vắc-xin của họ được phát triển cùng Đại học Oxford có khả năng phản ứng nhanh chóng với các đột biến mới. Công ty cho biết: “AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm mà biến thể đã được xác định, cụ thể ở nước Botswana và Eswatini (châu Phi)”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Moderna nhận định sự kết hợp của các đột biến trong biến thể "cho thấy nguy cơ tiềm ẩn làm giảm đáng kể khả năng miễn dịch tự nhiên và khả năng miễn dịch do vắc-xin gây ra". Stephane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna, cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đang tăng tốc nhanh nhất có thể để thực hiện chiến lược nhằm xử lý biến thể này".

Các nước siết chặt đi lại với châu Phi

Nhiều quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay từ miền nam châu Phi do lo ngại về sự lây lan của biến thể này. Nước Anh đình chỉ các chuyến bay vào hôm thứ Năm 25/11 từ 6 quốc gia trong khu vực, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu tất cả 27 quốc gia thành viên tạm ngừng đi lại từ phía nam Châu Phi.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, hôm thứ Sáu cho biết Mỹ đang làm việc với các nhà khoa học Nam Phi để thu thập cấu trúc phân tử của biến thể này nhằm tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Những xét nghiệm đó nhằm xác định liệu B.1.1.529 có thể chống lại kháng thể do vắc-xin ngừa Covid-19 hay không. Chính quyền Tổng thống Joe Biden vào thứ Sáu đã áp dụng hạn chế nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Mỹ đến từ 8 quốc gia Nam Phi.

Thế giới - Hàng loạt hãng dược tăng tốc ứng phó với biến thể Covid-19 mới (Hình 2).

Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Atlanta, Georgia. Ảnh: cdc.gov.

Khả năng bảo vệ của vắc-xin Covid-19 có thể giảm theo thời gian tuy nhiên vẫn hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng, phải nhập viện và tử vong.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science số tháng 11, hiệu quả của vắc-xin Pfizer do công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức sản xuất đã giảm từ 86% xuống 43% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10/2021. Hiệu quả vắc-xin Moderna chống lại tình trạng lây nhiễm giảm từ 89% xuống 58% và vắc-xin Johnson & Johnson giảm từ 86% xuống 13%.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đã cho phép tiêm nhắc lại vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna cho tất cả người lớn từ thứ Sáu 19/11.

Theo CDC, liều tăng cường Pfizer có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng trong một thử nghiệm lâm sàng với 10.000 người tình nguyện tham gia nghiên cứu từ 16 tuổi trở lên. Trong khi đó, Moderna hiện vẫn đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của liều tăng cường của hãng.

Theo Người Đưa Tin