Hàng loạt tuyến đê vừa tốn trăm tỷ nâng cấp, sửa chữa lại xuất hiện vết nứt

Đê Hữu Hồng (Đan Phượng, Hà Nội), đê tả sông Hoàng Long (Ninh Bình), đê sông Chu (Thanh Hóa)... những công trình vừa tiêu tốn vài trăm tỷ đồng nâng cấp đã hư hỏng, xuống cấp, xuất hiện nhiều vết "nứt toác".

Đê sông vừa nâng cấp tốn 300 tỷ đã bị nứt gãy

Theo Quyết định số 4417 ngày 30/10/2017, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (Ban 1) được bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ Chủ đầu tư Dự án nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và K40+350 đến K47+980, thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.

Với quy mô chiều dài tuyến: 7.477,86m (Giai đoạn 1) và 1.519.7m (Giai đoạn 2), đường giao thông trên đê được thiết kế bê tông nhựa asphalt rộng 9,0m, đường hành lang chân đê thượng, hạ lưu bê tông M250 rộng 5,0m; Điếm canh đê (Kiểu mẫu): 7 điếm 1 tầng và 1 điếm 2 tầng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân tại thôn Quý, xã Liên Hà cho biết, trên đoạn đê Hữu Hồng xuất hiện nhiều vết nứt, gãy lớn, các vết nứt ngày càng mở rộng khiến giao thông đi lại rất mất an toàn.

2021050615514210dp4-1620810587.jpg
Vết nứt mở rộng trên mặt đường đê. Ảnh: Thương Trường

Cụ thể, sự cố đê điều xảy ra tại vị trí k46+160 đê Hữu Hồng, đoạn đê xuất hiện nhiều vết nứt dài, dọc hành lang thượng lưu bị gãy khoảng 30m, các vết nứt có nơi rộng khoảng 3-5cm.

2021050615514310dp6-1-1620810662.jpg
Dọc hành lang đê bị gãy. Ảnh: Thương Trường

Để che kín hết phần rạn nứt, có một lớp xi măng mỏng được thát lên. Qua tìm hiểu, lớp xi măng này được “bó thêm” dày khoảng 1cm. “Họ làm rất khẩn trương, nhanh gọn, kín đáo”, người dân thường đi làm qua đây cho biết.

img-bgt-2021-183841022-1094970500913051-820566710800849855-n-1620725683-width1280height720-1620810622.jpg
Mặt đê lún, lõm xuống trông như 2 bậc thềm và được vá víu nham nhở. Ảnh: Giao thông

Theo báo cáo nhanh của Hạt quản lý đê Đan Phượng, ngày 30/4, đơn vị đã tiến hành kiểm tra phát hiện sự cố nứt dọc mặt đê, mặt đường hành lang. Nứt dọc hành lang cơ đê phía thượng lưu dài 25.8m, chiều rộng vết nứt từ 0,5-4cm. Nứt dọc mặt đê dài 27m, chiều rộng vết nứt 1-3cm.

Theo Hạt Quản lý đê, đánh giá sơ bộ nguyên nhân, khu vực xảy ra sự cố trên Công ty CP nước mặt sông Hồng đang triển khai thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, tại huyện Đan Phượng. Việc thi công móng đã làm mất ổn định của mái đê, thân đê đoạn này, đặc biệt là phía thượng lưu. Cùng với việc ảnh hưởng của những trận mưa nên đã xảy ra sự cố nứt, gãy.

Ở một khía cạnh khác, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 gửi Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội khẳng định, từ tháng 3 đến tháng 4/2021, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng triển khai thi công bể chứa nước tại khu vực cạnh trạm bơm Đan Hoài. Nhà thầu thi công bể chứa nước đã đào toàn bộ phần đất tiết giáp với đường hành lang thượng lưu để thi công công tác cọc cừ, chiều sâu chênh lệch mặt đê, đường hành lang so với cao trình đáy hố móng bể chứa nước khoảng từ 20m đến 22m.

Văn bản cũng nêu rõ, do bể nước chứa nằm sát cạnh hành lang thượng lưu và mặt đê, việc thi công đào móng bể chứa nước đã tạo nên các cung trượt sâu tại mặt đê và đường hành lang, gây nên gãy dọc đường hành lang thượng lưu với chiều dài từ 15m đến 20m và gãy cọc mặt đê từ 20m đến 25m tại khu vực thi công.

Hạng mục công trình thu - trạm bơm nước thô (cạnh trạm bơm Đan Hoài) thuộc Dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty CP nước mặt sông Hồng làm chủ đông đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Xây lắp Thủy lợi Hưng Yên.

Hiện tại điểm gãy nứt đã được đặt biển báo sự cố, tổ chức phân luồng giao thông không cho xe cơ giới đi vào khu vực này và đề nghị Công ty CP nước mặt sông Hồng dừng thi công trạm bơm nước thô.

Vừa sửa chữa hết 150 tỉ đồng, đê sông Chu ở Thanh Hóa đã hư hỏng nhiều điểm

Theo phản ánh của người dân, nhiều đoạn đê dọc tuyến sông Chu (Thanh Hóa) cả bên tả và bên hữu xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều điểm bị "biến dạng" hoàn toàn, xuất hiện liên tiếp những vệt lằn, lún, bong tróc, nứt gãy trên mặt đê, có đoạn kéo dài cả vài trăm mét. Điển hình tại Đoạn k19+800 - k22, k6 - k15+800 (đê tả sông Chu); k16+700 - k24+142 (đê hữu sông Chu, địa bàn huyện Thọ Xuân).

Xuôi xuống phía hạ lưu thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, tuyến đê thuộc dự án xử lý cấp bách đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100, do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa) làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn khoảng 100 tỉ đồng.

Tuyến đê này được đầu tư tiền ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, thuộc dự án xử lý cấp bách do ảnh hưởng của bão, lũ cuối năm 2017. Có 2 nhà thầu tham gia xây dựng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (có địa chỉ tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) và Công ty TNHH Tân Thành 1 và Công ty TNHH Hòa Bình.

Điều đáng nói, trong tháng 4/2020, tuyến đê được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì chẳng bao lâu, mặt đê dọc tuyến nhiều nơi đã bong tróc, hư hỏng, thậm chí biến dạng khiến người dân địa phương rất bức xúc. Tuyến đê hư hỏng không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân mà còn tiềm ẩn nguy hiểm khi mua mưa bão lại cận kề.

3-15928800423742147365929-1620810708.jpg
Nhiều đoạn mặt đê bị bong tróc hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: NLĐ

Nhiều người dân cho rằng tuyến đê thi công không đảm bảo chất lượng nên mới nhanh xuống cấp đến vậy. Đồng thời, một nguyên nhân khác là có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng ra vào các mỏ cát trên địa bàn 2 huyện này chở vượt tải trọng cho phép.

Ông Lê Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng (huyện Thọ Xuân), thừa nhận tuyến đê dài khoảng 7 km qua địa bàn nhiều nơi đã xuống cấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, về phạm vi quản lý, địa phương chỉ quản lý nhà nước về mặt hành chính, còn vấn đề xe quá khổ, quá tải thì đã có khung tải trọng và CSGT.

Ông Cao Bát Chí, Phó Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa), nhìn nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến tả và hữu sông Chu và cho rằng trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng (tức chính quyền địa phương 2 huyện).

resize-images5425474-sequence-01still067-1620811253.jpg
Mặt đê vỡ nát, sụt lún tạo thành các ổ gà, ổ trâu. Ảnh: Truyền hình Thanh Hóa

"Các dự án xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu được đầu tư sau sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh giao cho ban làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí khoảng 150 tỉ đồng, nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương. Đến nay, các công trình đã được nghiệm thu, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, không lâu sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã xuống cấp" - ông Chí nói.

Khi được hỏi về hướng xử lý, ông Chí cho biết đã báo cáo lên Sở và UBND tỉnh. Riêng, đối với các nhà thầu, họ cho rằng sẽ không chịu trách nhiệm việc đê xuống cấp.

Đê chống lũ mới sửa chữa cả trăm tỷ đồng đã “nứt toác”

Với chiều dài hơn 20km, đê tả sông Hoàng Long gánh vai trò chống lũ cho hàng chục nghìn hộ dân của huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Tuy nhiên, tuyến đê này đã xuống cấp, mặt đê nứt toác nhiều cây số khiến người dân không khỏi lo lắng.

01-10-1620811568.jpg
Vết nứt chia đôi mặt đê. Ảnh: Quân đội nhân dân

Ghi nhận thực tế, gần chục cây số mặt đê tả sông Hoàng Long đang bị nứt toác ở giữa, phân chia đường đê thành 2 làn xe khác nhau. Vết nứt toác thảm nhựa mặt đường có nơi kéo dài hơn 500m, với độ rộng gần 20cm và sâu hơn 10cm.

Điểm nứt toác lớn nhất tại khu vực qua xã Gia Phú và xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Nơi đây mặt đê bị tách thành hai khối riêng biệt với khe nứt ở giữa rộng hơn 20cm, kéo dài hàng trăm mét.

de-hoang-long-5-1573112170258-1620811697.jpg
Điểm nứt toác đút vừa cả chiếc giày xuống. Ảnh: Dân trí

Có điểm nứt toác đút vừa cả chiếc giày xuống bên dưới. Việc nứt toác mặt đê không chỉ làm nhiều phương tiện giao thông qua lại khó khăn, dễ gặp hiểm nguy mà còn làm cho hàng chục nghìn hộ dân của huyện Gia Viễn lo lắng vì đây là tuyến đê chống lũ rất quan trọng.

de2-1620811629.jpg
Vết nứt chia đôi mặt đê thành 2 phần dài cả cây số. Ảnh: Đại đoàn kết

Một người dân nói: "Cả tuyến đê mới được nâng cấp, sửa chữa khoảng 550 tỷ đồng, hoàn thành cách đây không lâu. Không hiểu vì sao mới chỉ được có mấy năm đã bị nứt toác như thế này. Bên dưới thân đê, mặt bê tông bị ảnh hưởng lớn thì mặt đê mới nứt lớn như thế này".

Trước thực tế này, UBND huyện Gia Viễn có văn bản đề nghị sở NN&PTNT Ninh Bình hoàn trả lại mặt đê sau thực hiện các biện pháp giảm tải trọng xe lưu thông trên mặt đê. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.