Hồ sơ Pandora tiết lộ khối tàn sản bí mật của nhiều tỷ phú, lãnh đạo thế giới tại các 'thiên đường thuế'

Hồ sơ Pandora đã phơi bày “kẽ hở” của các hoạt động tài chính ở nước ngoài, cho phép một số người giàu nhất thế giới trốn thuế. 

Khoảng 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới bị rò rỉ, được Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) tập hợp đã tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các "thiên đường thuế”.

Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiến hành phân tích và xác minh tính chân thực của Hồ sơ Pandora, với sự tham gia của 600 nhà báo. Đợt công bố thông tin đầu tiên bắt đầu ngày 3/10, do một số hãng thông tấn "được lựa chọn" thực hiện.

Khoảng 35 nhà lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo được “gọi tên” đang phải đối mặt các cáo buộc từ tham nhũng đến rửa tiền và trốn thuế toàn cầu.

ho so pandora tiet lo thien duong thue cua nhieu lanh dao the gioi dspl

Theo "Hồ sơ Pandora," ngoài nhiều lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu của thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài. Ảnh: ICIJ

Trong số những cái tên được nêu có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan, Tổng thống Kenya, Tổng thống Ukraine, hay nữ ca sỹ Shakira...

Theo Hồ sơ Pandora, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, nhưng những thông tin rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD (7,6 triệu euro), khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani.

Bằng cách mua cổ phần của công ty - chứ không phải trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD.

Thủ tướng Séc Andrej Babiš, người sẽ tái tranh cử vào tuần tới, từ chối bình luận về lý do tại sao ông sử dụng một công ty đầu tư nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp.

Trong danh sách có Vua Abdullah II của Jordan, người được cho là có tài sản 100 triệu USD trên khắp thế giới. Vua Abdullah II của Jordan khẳng định rằng ông không có hành vi sai trái khi nắm giữ những tài sản đó thông qua các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã chuyển 25% cổ phần trong một công ty nước ngoài cho người bạn đã trở thành cố vấn hàng đầu của ông. Việc chuyển giao diễn ra trong khi ông cam kết thực hiện chiến dịch chấn chỉnh nạn tham nhũng của nền kinh tế đất nước mình.

Ngoài ra, "Hồ sơ Pandora" còn tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.

"Hồ sơ Pandora" với 2,94 terabyte dữ liệu, là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây, từ Hồ sơ LuxLeaks năm 2014, đến Hồ sơ Panama năm 2016 – vụ việc đã khiến thủ tướng Iceland lúc bấy giờ là ông Sigmundur Davíð Gunnlaugsson từ chức. Tiếp theo là Hồ sơ Paradise vào năm 2017 và Hồ sơ FinCen vào năm 2020.

Mộc Miên (T/h) - Người Đưa Tin