Học online, kinh doanh laptop trở thành quân "át chủ bài" mùa dịch Covid-19

Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, máy tính xách tay đang là sản phẩm được các phụ huynh “săn lùng” nhiều nhất để phục vụ việc học online.

Trong khi doanh số kinh doanh nhiều mặt hàng giảm sâu, laptop trở thành sản phẩm chủ lực của nhiều đơn vị.

lap-top-chay-hang-41-1630462762.jpg
Kinh doanh laptop trở thành quân "át chủ bài" mùa dịch Covid-19

Thị trường laptop "bội thu"

Theo thông tin đăng tải trên Vnexpress, trong tháng 8, hệ thống FPT Shop ghi nhận mức tăng trưởng 30% so với tháng 7 và 100% so với cùng kỳ năm ngoái ở mảng laptop. Riêng phân khúc 20 triệu đồng có mức tăng đột biến, khoảng 70% so với tháng trước và 200% so với năm 2020.

Đối với các mẫu tầm giá 20 triệu đồng, đại diện FPT Shop cho biết người mua thường chọn thiết bị có cấu hình mạnh, camera độ phân giải cao, mỏng nhẹ, dễ di chuyển.

Tương tự, CellphoneS và một số hệ thống lớn khác cũng ghi nhận mức tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong mảng laptop. Trong đó, phân khúc đang bán chạy nhất là các dòng từ 15 triệu đến trên 20 triệu đồng. Một số mẫu được người dùng quan tâm như HP Pavilion 15 (18,5 triệu đồng), Acer Aspire 7 A715 (20,5 triệu đồng), Lenovo Ideapad 5 (20,6 triệu đồng) hay dòng MacBook Air giá từ 25 triệu đồng.

Giải đáp lý do cho sự tăng trưởng mạnh của phân khúc laptop này, anh Lê Minh, một nhân viên tư vấn siêu thị điện máy cho biết, vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp và căng thẳng nên nhiều nhân viên, học sinh sinh viên phải học và làm việc trực tuyến.

“Nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho các mẫu máy tính tốt vì xác định việc học và làm việc từ xa là lâu dài. Do đó, họ quan tâm nhiều tới độ bền, thời gian bảo hành, cấu hình máy, thời lượng pin và chất lượng camera”, anh Minh chia sẻ thêm.

Trao đổi với PV Lao Động, một nhân viên làm việc tại CellphoneS cho biết, thời gian gần đây laptop trở thành mặt hàng được nhiều khách hàng quan tâm nhất do nhu cầu học online của học sinh sinh viên tăng cao.

Hãng nghiên cứu Gartner dự báo, năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỉ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020.

Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỉ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021. Gartner cho rằng, số lượng laptop và tablet sẽ tăng tương ứng 8,8% và 11,7% vào năm 2021.

Một nhân viên tư vấn của Thế giới Di động cho biết, thời gian gần đây đa số các mẫu laptop giá rẻ dưới 15 triệu đồng rơi vào tình trạng cháy hàng, nhiều khách hỏi nhưng không có để bán.

"Một số laptop giá rẻ tại khu vực Hà Nội bên tôi đều báo không có hàng. Giá thấp dưới 15 đều hết, chỉ còn các mẫu giá cao. Thời gian gần đây phụ huynh mua cho con em để học online nhiều, trong khi bên tôi chưa nhập được hàng do chỉ thị 16. Cũng chưa biết được khi nào có hàng, Thế giới Di động vẫn đang theo dõi tình hình dịch nên không dám thông báo với khách khi nào có hàng".

Nhân viên này cho biết, Thế giới Di động sẽ cử nhân viên vận chuyển hàng cho khách. Đối với những khu vực có chốt kiểm soát thì khách cần tự đến lấy vì đây là mặt hàng không thiết yếu.

Cha mẹ "đau đầu" tìm thiết bị học online cho con

Trao đổi với báo Thanh Niên, chị Ngô Thị Huynh (ngụ 58 Trần Quang Khải, quận 1, Tp.HCM) có 2 con nhỏ chuẩn bị vào lớp 4 và lớp 7 cho biết, gia đình đã phải “bấm bụng” chi 28 triệu đồng để mua 2 chiếc máy tính xách tay.

“Học bằng điện thoại thì con bị nhức mắt, hại mắt lắm. Hơn nữa dịch khả năng còn kéo dài, trước sau gì các con cũng phải có phương tiện để học tập, thôi thì bấm bụng mua luôn!”, chị Huynh chia sẻ.

hoc-truc-tuyen-01-1630463354.jpg
Cha mẹ bấm bụng mua laptop phục vụ con

Anh Lê Nam (Hà Nội) có con sắp vào lớp 1 cho biết, gia đình "đau đầu" vì thiết bị học online. Với ngân sách dưới 5 triệu đồng, anh được người bán hàng tư vấn bộ máy tính để bàn đã qua sử dụng. Ban đầu anh nghĩ máy tính để bàn có màn hình lớn và giúp con có tư thế ngồi học nghiêm túc hơn. Tuy nhiên đến khi vào học, anh mới biết cần sắm thêm webcam, micro để phát biểu, máy in để khi cần sẽ in tài liệu cho con làm bài. Số tiền mua thiết bị học cho con, dù chỉ là loại rẻ, "ngốn" của anh cả chục triệu đồng, trong khi thu nhập cả gia đình đang giảm vì dịch bệnh.

Trên các hội nhóm của phụ huynh, việc mua sắm thiết bị trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, cả cha mẹ và con cái cùng phải làm việc và học tập online, nhiều gia đình phải mua hàng loạt thiết bị văn phòng với chi phí lớn. Một thành viên cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng dịch bệnh, nhà anh phải sắm thêm ba chiếc máy tính để cả gia đình cùng làm việc và học tập từ xa.