Hỗn loạn thị trường làm đẹp

Liên quan đến người phụ nữ tử vong khi nâng ngực tại TP Hồ Chí Minh, được biết, bác sĩ mổ chính có chứng chỉ hành nghề (CCHN) nhưng khi ra bên ngoài mổ thẩm mỹ cho bệnh nhân, thì không hề báo cáo với bệnh viện (BV) nơi chủ quản, BV cũng không hề biết BS có hợp đồng, hợp tác mổ thẩm mỹ tại BV bên ngoài. Hiện thị trường làm đẹp ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang trong tình trạng khó kiểm soát, nguyên nhân từ đâu?

Đổ xô đi học phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ

Như Báo CAND đã có các bài viết phản ánh về trường hợp một nữ bệnh nhân ngụ tại TP Hồ Chí Minh tử vong sau khi nâng ngực tại BV 1A. Hiện nguyên nhân bệnh nhân tử vong vẫn đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

Báo cáo từ BV 1 A nơi xảy ra vụ việc cho biết, trước đó, ngày 18/3, BV có tiếp nhận bệnh nhân N.T.N.N. (33 tuổi, sống tại phường 11, quận 6, TP Hồ Chí Minh) đến phẫu thuật nâng ngực. Bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu theo quy trình.

Người phẫu thuật là BS Nguyễn Văn Thiết, có số CCHN 0020542/BYT-CCHN (chuyên khoa Ngoại), có quyết định bổ sung phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (PTTM). Người gây mê hồi sức là bác sĩ Võ Văn Tuấn, có CCHN khám chữa bệnh chuyên khoa Gây mê hồi sức.

Về phương pháp điều trị, chị N. được phẫu thuật tạo hình ngực bằng túi gel. Bệnh nhân được gây mê nội khí quản. Theo báo cáo của BV 1A, trong quá trình phẫu thuật, chị N. bị ngưng tuần hoàn hô hấp và được xử trí hồi sức tích cực theo đúng quy trình.

Trong khi đó, người nhà bệnh nhân cho rằng, BV đã không báo tình trạng hôn mê của chị N. cũng như thời điểm chị tử vong, khiến họ phải tự đi tìm bệnh nhân. Khi tìm thấy thì chị N. đã qua đời.

Qua trao đổi với PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh cho biết, phẫu thuật nâng ngực là phương pháp làm đẹp rất phổ biến. Nâng ngực có thể gặp những sự cố nhưng biến chứng dẫn đến tử vong khi phẫu thuật nâng ngực là rất hiếm. Ngành Y tế cũng đã xây dựng những quy trình rất chặt chẽ trong PTTM và nếu kịp thời xử trí sự cố y khoa thì đa số cứu sống được người bệnh.

Qua tìm hiểu nơi cơ quan nơi BS Thiết làm việc cho biết, BS Thiết đã vi phạm nghiêm trọng qui chế làm việc của BV. Ký kết hợp tác làm việc ngoài giờ tại BV 1A nhưng không hề có báo cáo với BV nơi mình công tác. Cũng theo giải thích của lãnh đạo BV này, ngoài giờ hành chính mà BS không báo cáo thì không thể biết được BS đi về nhà hay đi "chạy sô" mổ xẻ bên ngoài.

Như vậy một câu hỏi đặt ra là nguồn phẫu thuật viên cho chuyên ngành PTTM có bị quá thiếu hay chăng? Thật bất ngờ, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng cho biết, nguồn nhân lực lại đang quá dôi dư! Một thực trạng đang diễn ra là ngành PTTM đang được coi là "hái" ra tiền nên nếu trước đây, BS được phân công đi học thêm PTTM thì mới đi học. Còn giờ là đổ xô đi học…

Theo PGS Quang Hùng, tại TP Hồ Chí Minh hàng năm chuyên ngành PTTM có từ 100-150 BS được đào tạo "ra lò". Đây mới chỉ đề cập nguồn đào tạo tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chưa kể có rất nhiều nguồn đào tạo BS PTTM như tại trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Cần Thơ, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Trà Vinh, ĐH Đà Nẵng… Trong khi đó, các Chuyên khoa khác như Tim mạch, Thận niệu… thì mỗi năm chỉ đào tạo từ 10-12 BS.

Ngoài ra, riêng tại TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 BV và hơn 200 cơ sở PTTM được cấp phép nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở chỉ là Spa nhưng đều có quảng cáo nhận PTTM trái phép. Điều này rất đáng lo ngại, tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe, tính mạng của khách hàng khi có nhu cầu đi làm đẹp.

Bệnh viện 1A, nơi xảy ra vụ việc một phụ nữ tử vong sau khi nâng ngực.

An toàn cho bệnh nhân là hàng đầu

Việc BS phải "chạy sô" đi mổ thẩm mỹ bên ngoài còn nằm ở chỗ, khi bệnh nhân là "nguồn" của BS mang về, tức là đem nguồn doanh thu về cho BV. Ngoài ra, khi được Bộ Y tế cấp phép được làm PTTM, nếu BV nơi có chuyên khoa PTTM không đủ nhân lực cơ hữu thì phải tổ chức, tận dụng lực lượng bên ngoài. Theo đó, phẫu thuật viên "dụ" được bệnh nhân tới và có phòng mổ là mổ.

Được biết, trong vụ việc nữ bệnh nhân nâng ngực bị tử vong, BS đứng chính ca mổ cũng như BS gây mê đều đã có đủ CCHN do Bộ Y tế cấp. Nhưng theo PGS Đỗ Quang Hùng, vấn đề khi cấp CCHN thì BS còn phải có đủ thời gian thực hành chuyên khoa PTTM.

Theo qui định rất chặt chẽ, sau khi có bằng BS đa khoa (tốt nghiệp ĐH y khoa), muốn theo nghề PTTM, BS phải tham gia khóa học chuyên khoa 1 Tạo hình thẩm mỹ (24 tháng), sau đó thêm 12 tháng học (Chuyên khoa định hướng PTTM). Có Bằng Chuyên khoa 1 này sẽ được cấp CCHN chuyên khoa PTTM. Tiếp đó, phải đăng kí ở một cơ sở cấp bệnh viện có chuyên khoa PTTM, hay Phòng khám PTTM (phòng khám có dấu tròn - cấp công ty) mới có giá trị pháp lý. Và cơ sở này mới có chức năng kí hợp đồng lao động với BS này.

Tại cơ sở, BS phải có thời gian mổ, thực hành là 18 tháng, đồng thời phải có những chứng nhận của cơ sở như: Đã mổ bao nhiêu ca thẩm mỹ mắt, bao nhiêu ca nâng mũi, nâng ngực… Tổng hợp hồ sơ bệnh án của các ca mổ này làm căn cứ xin mở phòng khám PTTM của chính bản thân mình hoặc đi kí kết hợp tác với nơi khác theo qui định.

Như vậy, qui trình hành nghề hợp pháp của một BS PTTM là rất chặt chẽ, từng bước suốt 54 tháng sau khi có bằng BS đa khoa của trường Y khoa. Trong mỗi BV cũng có qui chế quản lý việc hành nghề, hoạt động của các BS. Theo qui định, cơ quan quản lý cơ sở có dịch vụ PTTM hợp pháp là Sở Y tế địa phương hoặc Bộ Y tế; trách nhiệm quản lý các BS, phẫu thuật viên do Trưởng khoa và Giám đốc các BV. "Nhưng thực tế, nhiều BS vì áp lực của đồng tiền, hoặc cơ sở BV vì áp lực của doanh thu mà đang làm liều, bỏ qua các bước qui định của ngành, gây ra hệ lụy rủi ro cho bệnh nhân" - PGS Quang Hùng nhấn mạnh.

Đề cập riêng ca nữ bệnh nhân tử vong trên, PGS Quang Hùng cho rằng, phải phân tích kỹ để xác định trách nhiệm từng cá nhân trong êkip phẫu thuật. Việc này phụ thuộc vào kết quả giám định pháp y và kết luận của hội đồng chuyên môn. Nếu nguyên nhân tử vong do thủng phổi gây chảy máu hoặc sự cố xảy ra khi đang phẫu thuật thì trách nhiệm là phẫu thuật viên. Nếu bệnh nhân gặp vấn đề trong quá trình hậu phẫu thì bác sĩ gây mê mới là người chịu trách nhiệm. Khi đã ra hậu phẫu nghĩa là ca phẫu thuật đã hoàn thành. Nguyên tắc trong vòng 6 tiếng đồng hồ sau đó, bệnh nhân phải được theo dõi sát.

Trong đó, bệnh nhân an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nghĩa là phải được xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang phổi, điện tim, men gan, chức năng thận… để đảm bảo đủ điều kiện phẫu thuật.