5 tình huống phỏng vấn xin việc phổ biến và cách vượt qua

Trong quá trình tìm việc làm, bạn sẽ gặp và phải xử lý nhiều tình huống phỏng vấn xin việc từ đơn giản đến phức tạp. Nếu có sự chuẩn bị tốt, bạn sẽ có cách xử lý khéo léo, hiệu quả nhất.

Dưới đây là 5 tình huống khó xử và gợi ý giải pháp giúp bạn tham khảo để có cách giải quyết ấn tượng giúp bạn sớm có công việc như ý.

Người phỏng vấn không hào hứng

Điều này thể hiện rất rõ ở thái độ và biểu hiện của người trực tiếp phỏng vấn. Họ thiếu sự hào hứng trong việc đặt câu hỏi và nhiệt tình lắng nghe. Tình huống phỏng vấn xin việc “trớ trêu” này thực sự gây ra cảm giác khó chịu khiến bạn không có cơ hội được bày tỏ quan điểm để thể hiện mình. Ngoài ra điều này còn tạo nên các khoảng trống (thời gian chết) trong cuộc trò chuyện là điều “cấm kị” trong cuộc phỏng vấn.

Nếu rơi vào trường hợp này, bạn tuyệt đối đừng vội tỏ ra chán nản, không nên thụ động ngồi chờ được hỏi. Ngược lại, cần giữ sự linh hoạt và làm chủ tình hình. Bạn nên chủ động đặt các câu hỏi mở, đúng trọng tâm công việc đang ứng tuyển để nhà tuyển dụng giải thích. Qua đó bạn cũng phần nào nắm cụ thể hơn những điều về công ty, về công việc rõ ràng mà mình còn khúc mắc.

Hỏi quá kỹ về lý do nghỉ việc

Dù là tìm việc làm Bình Dương mới nhất hay bất cứ địa phương nào khác, hầu hết nhà tuyển dụng đều muốn biết về lý do ứng viên nghỉ việc. Có rất nhiều lý do để một người quyết định rời đi, chẳng hạn như mục tiêu không đồng nhất, công việc không phù hợp, mâu thuẫn với đồng nghiệp cũ, sếp cũ, không được tín nhiệm trong nhóm làm việc, năng lực yếu kém nên bị sa thải, lương thấp… Một số còn do tình hình sức khỏe không đảm bảo... Ngoài ra trong nhiều trường hợp là do chính quyết định của bản thân người lao động thích nhảy việc, không muốn gắn bó một nơi lâu dài hay thiếu kiên nhẫn… Dù là bất kì lý do gì thì cũng sẽ gây bất lợi nếu nói thật. Do đó đa số ứng viên không muốn nhà tuyển dụng đào sâu tìm hiểu.

Nếu gặp tình huống phỏng vấn xin việc này, hãy mạnh dạn và khéo léo để không bị hớ khi đưa ra câu trả lời. Bạn có thể lấy lý do thật đơn giản và không hề ảnh hưởng đến bất cứ ai, kể cả bản thân bạn để nhà tuyển dụng không có câu hỏi nào thêm về vấn đề này. Chẳng hạn thời điểm đó bạn còn thiếu kinh nghiệm hoặc thời điểm đó bạn dành thời gian cho một sự kiện nào đó và bây giờ bạn đã giải quyết ổn thỏa mọi việc, sẵn sàng đón nhận công việc này. Bạn tuyệt đối không nên thể hiện thái độ khó chịu khi nhà tuyển dụng liên tục “làm khó” bạn. Bình tĩnh, kiên nhẫn, khéo léo khi xử lý tình huống này là điều bạn nên chú ý.

Bạn lỡ miệng tiết lộ những điều không nên

Trong mẹo trả lời phỏng vấn, những chuyên gia nhân sự đã “cảnh báo” về một số điều làm mất điểm của ứng viên, trong đó có việc nói xấu về công ty cũ, sếp cũ và cả mâu thuẫn với đồng nghiệp cũ.

Nếu bạn lỡ nói hớ một vài câu từ không phù hợp trên hãy nhanh chóng ngừng lại trước khi đi quá xa. Bạn nên thay đổi hướng trả lời và lựa chọn cách nói khéo léo, tích cực, không sa đà vào kể lể. Bên cạnh đó, hãy xin lỗi và giải thích rằng bạn đã quá phấn khích về “dự án” đó hay vấn đề mà nhà tuyển dụng đang đặt ra đến nỗi quên mất mình đang trong cuộc phỏng vấn.

Lỗi trang phục, phụ kiện

Một trong những tình huống phỏng vấn xin việc khiến bạn lúng túng là các vấn đề liên quan đến trang phục như vô tình bị rách hay có vết bẩn… Nếu lỡ rơi vào tình huống này thì bạn cần bình tĩnh. Nên nói xin lỗi về bộ trang phục kèm với một vài lời phân trần thật vui vẻ, khéo léo và chân thành. Mục đích để chứng tỏ bạn không phải là người luộm thuộm cẩu thả hay thiếu tôn trọng buổi phỏng vấn mà đây chỉ là sự cố tức thời vừa mới xảy ra trên đường tới đây. Điều quan trọng trong tình huống này là phong thái của bạn, bình tĩnh, tự tin mà không phải là rụt rè, tự ti, ngại ngùng.

Nhà tuyển dụng đưa ra những quyết định không ngờ

Một số nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một số quy định gây khó xử cho ứng viên. Chẳng hạn phải kí hợp đồng gắn bó làm việc cho công ty 5 năm, không được nhận hợp tác làm thêm với bất kì bên thứ ba nào nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng theo quy định...

Trong tình huống này, đừng vội vàng chấp thuận hay thẳng thừng từ chối. Bạn cần khéo léo thương lượng và xin thời gian để suy nghĩ kĩ càng trước khi có quyết định chính thức. Lưu ý là giữ thái độ vui vẻ và hợp tác cho đến khi buổi phỏng kết thúc.

Với 5 tình huống phỏng vấn xin việc và cách xử lý trên đây, mong rằng sẽ giúp bạn lường trước được để xử lý tình huống tốt nhất. Trong mọi trường hợp, sự bình tĩnh, chủ động và khéo léo sẽ giúp bạn ghi điểm ấn tượng với nhà tuyển dụng. Chúc bạn thành công!

Đặng Hảo