Bố mẹ nên từ bỏ những thói quen này lại nếu không muốn con thường xuyên ốm và quấy khóc

Nhiều thói quen của bố mẹ trong sinh hoạt dễ khiến trẻ biếng ăn chậm lớn, giảm sức đề kháng, từ đó dễ bị các vi khuẩn gây bệnh tấn công và bị ốm.

Ép trẻ ăn

Ép con ăn sẽ làm tăng gánh nặng cho lá lách và dạ dày, khiến bé dễ bị các vấn đề về đường tiêu hóa như khó tiêu. Ảnh minh họa

Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con mình có sức khỏe tốt và phát triển nhanh. Chính vì thế, cha mẹ thường ép con mình ăn theo kiểu càng nhiều càng tốt. Nhưng ít ai biết rằng, điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho lá lách và dạ dày và bé dễ bị các vấn đề về đường tiêu hóa. Hệ tiêu hóa kém càng làm giảm sức đề kháng của trẻ và khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.

Ngủ không đủ giấc

Hiện nay nhiều cha mẹ có thói quen thức khuya nên trẻ cũng được cho đi ngủ muộn hơn. Chính vì thói quen này sẽ dẫn đến thời gian ngủ không đủ và chất lượng giấc ngủ của trẻ kém, ức chế sự tiết hormone tăng trưởng, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến trẻ chán ăn, dễ bị cảm lạnh và ốm, ẩn chứa những nguy hiểm đối với trí thông minh, sự phát triển thể chất và sức khỏe.

Hay cho bé ăn vặt

Trong đồ ăn vặt chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa

Đồ ăn vặt sẽ khiến trẻ mất cảm giác đói, không còn khiến trẻ háo hức với các bữa ăn chính, lâu dần hình thành thói quen xấu không những khiến trẻ biếng ăn mà còn chậm tăng cân cũng như hạn chế phát triển chiều cao.

Hơn nữa, trong đồ ăn vặt có chứa rất nhiều chất phụ gia, nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao, sẽ gây ảnh hưởng đến đường ruột còn non yếu của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa và gây suy giảm hệ miễn dịch.

Ít cho bé vận động

Nhiều bậc cha mẹ sợ cho con ra ngoài dễ bị lây nhiễm vi khuẩn, vi trùng, bụi bặm từ bên ngoài hay lây nhiễm bệnh từ các trẻ khác. Bố mẹ không có thời gian nên suốt ngày cho con ở nhà, làm bạn với điện thoại, iPad nên ít cho bé vận động.

Việc vận động, vui chơi bên ngoài sẽ giúp bé vui vẻ, cơ thể trao đổi chất tốt, ăn ngon, ngủ ngon và khỏe mạnh hơn. Ngược lại, bé ít vận động sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cơ thể, giảm sức đề kháng, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, béo phì, hệ cơ và xương không phát triển, tự kỷ...