Giới ca sĩ Việt nói gì về bỏ cấm hát nhép?

Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là bỏ quy định cấm hát nhép. Điều này vấp phải sự phản đối của một số nhạc sĩ, ca sĩ.

Ngày 14/12, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo văn bản, nghị định có hiệu lực từ 1/2/2021.

So với Nghị định 79/2012/NĐ-CP, Nghị định 144 có nhiều điểm mới, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính. Một trong những điểm mới của Nghị định 144/2020/NĐ-CP là không còn quy định cấm hát nhép.

Việc Chính phủ bỏ quy định cấm hát nhép vấp phải phản đối của một số nhạc sĩ, ca sĩ. Theo họ, quy định này tạo ra môi trường biểu diễn thiếu công bằng và khiến ca sĩ ngày càng lười biếng, dễ dãi với bản thân.

“Hát nhép trên sân khấu là lừa dối khán giả”

Trao đổi với Zing, nhạc sĩ Sỹ Luân cho biết hành vi nghệ sĩ hát nhép trên sân khấu là lừa dối khán giả.

“Khán giả bỏ tiền ra để mua vé nhằm xem nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn, người thật việc thật. Nếu ca sĩ hát nhép sẽ khiến công chúng thất vọng. Theo quan điểm của tôi, hát nhép trên sân khấu là hành vi rẻ tiền, lừa dối khán giả”, nam nhạc sĩ chia sẻ.

Nhạc sĩ Sỹ Luân cho rằng hát nhép là lừa dối khán giả. Ảnh: Phương Lâm.

Theo Sỹ Luân, ở góc độ người làm nghề, hát nhép tạo ra thói quen không tốt cho các ca sĩ. Dần dần, họ sẽ phụ thuộc vào công nghệ chỉnh giọng, lười hát live, trau dồi giọng hát.

“Là người dạy thanh nhạc nên tôi khắt khe trong việc nghe nhạc. Tôi cảm thấy khó chịu khi nghe các bạn hát bị chênh, phô. Thời đại này, các ca sĩ trẻ được hỗ trợ nhiều về mặt công nghệ nên khi hát live bị hạn chế. Các bạn cần thời gian "chinh chiến", trải nghiệm để hát tốt hơn. Nếu cho phép hát nhép sẽ hạn chế khả năng trau dồi giọng hát của nghệ sĩ”, anh nói.

Cùng quan điểm, ca sĩ Hà Linh cho rằng việc bỏ cấm hát nhép là bước đi lùi của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

Bích Phương từng bị chỉ trích vì hát đè trên sân khấu.

“Việc hát live trên sân khấu bộc lộ sự trung thực, đạo đức của ca sĩ. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng khán giả từ phía nghệ sĩ. Nếu bỏ lệnh cấm hát nhép là một sự thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta cần góp ý để phản đối việc hát nhép”, nữ ca sĩ nói.

Ca sĩ Minh Quân chia sẻ cho phép nghệ sĩ hát nhép tạo ra môi trường biểu diễn thiếu công bằng, khán giả là đối tượng cuối cùng chịu sự thiệt thòi.

“Trước đây, dù có luật cấm, nhiều ca sĩ vẫn giấu việc hát nhép khi biểu diễn. Bây giờ, Chính phủ bãi bỏ việc cấm hát nhép, ca sĩ sẽ công khai, lợi dụng công nghệ để chỉnh giọng sao cho tốt. Điều này sẽ giết chết một số giọng ca thực lực. Một số nghệ sĩ hát live yếu sẽ lơ là giọng hát. Công chúng là người bỏ tiền mua vé xem nghệ sĩ hát lại phải nghe hát nhép. Điều đó không khác gì mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng”, anh cho biết.

"Hát nhép không khác gì hàng nhái, kém chất lượng"

Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh cho biết ở Việt Nam, việc hát nhép xảy ra khá phổ biến trên truyền hình, ở cả các chương trình truyền hình trực tiếp lẫn game show.

“Để đảm bảo âm thanh ở mức tốt nhất và chất lượng âm nhạc, ban tổ chức cho phép thu chương trình phát sóng. Ở các chương trình truyền hình trực tiếp, nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng hát nhép vì đó là yêu cầu của nhà đài”, anh nói.

Theo nhạc sĩ Hồi ức, trong một số chương trình biểu diễn trên sân khấu, các ca sĩ có tiết mục sử dụng nhiều vũ đạo, họ thường tìm đến hình thức hát đè.

“Đối với một số ca khúc thuộc thể loại dance, nhạc điện tử, các ca sĩ thường để nhạc nền cao nhất khoảng 80% và giọng hát của mình là 20%. Điều này giúp nghệ sĩ kiểm soát tốt nhất phần biểu diễn của mình trên sân khấu. Lâu nay, anh em làm nghề có sự chấp thuận ngầm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi điều này được cụ thể hóa thành quy định của Chính phủ thì tôi thấy không hợp lý”, Phan Mạnh Quỳnh nhận định.

Ca sĩ Nam Cường nói cơ quan chức năng nên có những quy định cụ thể, chi tiết trong trường hợp nào được phép hát nhép hoặc không.

Phan Mạnh Quỳnh cho biết hát nhép phổ biến trong một số chương trình truyền hình.

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Thu Đông - Trưởng Phòng Quản lý băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn - lý giải Nghị định 144 không quy định hành vi cụ thể của người biểu diễn. Vì thế, nghệ sĩ không nên lợi dụng quy định để "hát nhép, đàn nhái".

"Trước hết, người nghệ sĩ phải giữ những giá trị đạo đức nghề nghiệp. Họ phải trân trọng, chân thành với tình cảm của công chúng, có trách nhiệm với uy tín, thương hiệu, hình ảnh của bản thân.

Việc ca sĩ không đem hết tài năng của mình trên sân khấu thì tất yếu khán giả sẽ thiếu hưởng ứng, thậm chí tẩy chay họ. Cũng có thể hiểu "hát nhép, đàn nhái" không khác gì hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng", ông Nguyễn Thu Đông phát biểu.