Italy bị cáo buộc lừa dối WHO về khả năng sẵn sàng đối phó với đại dịch

Italy bị cáo buộc lừa dối Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mức độ sẵn sàng đối mặt với đại dịch, ngay trước khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên của nước này được xác nhận.
italia-lua-doi-who-ve-kha-nang-doi-pho-dai-dich-truoc-khi-covid-19-bung-phat-dspl-1614084458.jpg

Đài tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân của đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

 

Mỗi năm, các quốc gia tham gia Quy định Y tế Quốc tế (IHR) - một hiệp ước quốc tế nhằm chống lại sự lây lan toàn cầu của dịch bệnh - được yêu cầu gửi báo cáo tự đánh giá cho WHO về khả năng và mức độ sẵn sàng đối phó với tình trạng khẩn cấp.

Italy đã thực hiện báo cáo tự đánh giá cuối cùng vào ngày 4/2/2020. Trong phần C8 của báo cáo, nơi các quốc gia phải đánh giá mức độ sẵn sàng chung của họ để ứng phó với tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, Italy đã chọn mức 5 – mức cao nhất.

Hạng mục này nói rằng “cơ chế điều phối ứng phó khẩn cấp của ngành y tế và hệ thống quản lý sự cố liên kết với trung tâm điều hành khẩn cấp quốc gia đã được thử nghiệm và cập nhật thường xuyên”.

Tuy nhiên, kế hoạch phòng chống đại dịch của Italy không được cập nhật từ năm 2006. Đây được cho là một yếu tố đã góp phần dẫn tới ít nhất 10.000 ca tử vong do COVID-19 trong đợt dịch đầu tiên. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng trong cuộc điều tra về sai lầm của chính quyền trong ứng phó với dịch bệnh.

Tài liệu tự đánh giá đã được trao cho các công tố viên Bergamo như là bằng chứng bổ sung cho một vụ kiện dân sự do gia đình các nạn nhân COVDI-19 đệ trình vào tháng 12 chống lại các chính trị gia hàng đầu với cáo buộc đã sơ suất trong việc xử lý đại dịch.

Sự lây truyền COVID-19 tại địa phương đầu tiên của Italy được xác nhận vào ngày 21/2 tại thị trấn Lombardy của Codogno, và hai ngày sau đó một đợt bùng phát đã xảy ra tại bệnh viện Alzano Lombardo của thị trấn Bergamo.

Tuy nhiên, khác với Codogno lập tức bị phong tỏa cùng 9 thị trấn khác, bệnh viện ở Alzano Lombardo sớm được mở cửa trở lại dù nằm giữa tâm dịch.

Hồi tháng 6, các công tố viên thẩm vấn ông Conte cùng một số quan chức khác. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2020, cựu Thủ tướng Italia khẳng định ông sẵn sàng hợp tác nếu tiếp tục bị triệu tập để thẩm vấn nhưng nhấn mạnh đã làm mọi cách để đối với một tình huống khó khăn.

Trong một phân tích về tài liệu tự đánh giá do ông Pier Paolo Lunelli, một tướng quân đội đã nghỉ hưu, biên soạn, 60 trong số 70 câu trả lời do Italy cung cấp bị đánh giá là “thiếu căn cứ”. Ông Lunelli đã viết trong bản phân tích của mình, được đưa cho các công tố viên, rằng tài liệu “tạo thành một lâu đài bằng chứng xác nhận sự không chuẩn bị trướ c dịch bệnh”.

“Chúng tôi đã nói dối các công dân Italy rằng chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Lunelli nói thêm. “Tệ hơn nữa, chúng tôi đã cố gắng đánh lừa ngay cả WHO, EU và các quốc gia châu Âu, tuyên bố có những khả năng mà chúng tôi không có”.

Italy - quốc gia châu Âu đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đã ghi nhận 95.992 ca tử vong liên quan đến COVID-19 - con số cao nhất ở châu Âu sau Anh.

Mộc Miên (Theo Guardian)