Không trả lại tiền được chuyển nhầm vào tài khoản điện thoại thì bị xử lý thế nào?

Bạn Lan Anh (Nam Định) hỏi: Em là sinh viên, hôm trước có người bắn vào tài khoản điện thoại của em một số tiền khá lớn, sau đó có một số lạ gọi đến nói rằng vừa bắn tiền nhầm và yêu cầu em trả lại. Em sợ quá không biết có phải lừa đảo không nên không trả. Trong trường hợp này, nếu em không trả lại thì có bị phạt gì không ạ?

Trả lời:
Cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Theo như thông tin Quý khách đã cung cấp, Quý khách nhận được một số tiền khá lớn từ một tài khoản lạ, sau đó người tự xưng chủ nhân số tài khoản lạ này đã gọi điện yêu cầu trả tiền lại vì đã bắn nhầm. Đối với trường hợp này, Quý khách phải xem xét kỹ lưỡng, nên trình báo với ngân hàng để xác minh lại sự nhầm lẫn trước khi thực hiện giao dịch trả lại số tiền này.

Trường hợp đã xác minh được người chuyển tiền nhầm nhưng Quý khách không thực hiện trả tiền thì có thể vi phạm và bị xử phạt với tội chiếm giữ tài sản của người khác trái phép.
* Về xử phạt hành chính:
Căn cứ theo Điểm e Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực án ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.
4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Như vậy, đối với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tùy theo mức độ vi phạm.

* Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo Điều 167 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.

Tư vấn bởi Thanh Trà - Công ty Luật FDVN