Những dấu ấn của Việt Nam trong một năm đương đầu đại dịch

Sau những ca mắc COVID-19 đầu tiên từ cuối tháng 1, ngành y tế Việt Nam đã trải qua một năm 2020 đầy khó khăn cùng những dấu ấn nổi bật.

Đại dịch COVID-19 bùng phát được nhiều chuyên gia nhận định là thảm họa với cả thế giới và Việt Nam. Sau những khó khăn ban đầu, Việt Nam hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo bộ Y tế, chúng ta đã cách ly hơn 730.000 người; xét nghiệm cho 1,7 triệu người; triển khai 1.608 điểm chốt biên giới với gần 10.000 người bám biên từ Tết Canh Tý đến nay.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19.

Tới 30/12, Việt Nam có tổng 1.454 bệnh nhân mắc COVID-19 với tỷ lệ ca mắc trên một triệu dân thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trong chặng đường đó, y tế Việt Nam đã để lại những dấu ấn nhất định mang tầm quốc tế.

Hình ảnh virus SARS-CoV-2 dưới siêu kính hiểu vi. Ảnh: BYT.

Nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2

Ngày 7/2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy thành công SARS-CoV-2 ở phòng thí nghiệm trong bối cảnh Việt Nam vừa ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên.

Quá trình này được thực hiện khi Việt Nam có ca dương tính đầu tiên (2 trường hợp bố con người Trung Quốc nhiễm bệnh). Sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm dương tính, các nhà nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã gây lây nhiễm, làm tăng số lượng (phân lập) virus trên dòng tế bào vero và thành công khi virus xuất hiện vào 72 giờ sau.

Ở thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2. Trước đó, nhiều nơi cũng công bố xác định được các ca nhiễm nhưng không phân lập được virus. Một số đơn vị nuôi cấy virus nhiều tháng nhưng cũng không thành công.

Thực tế sau đó đã chứng minh tầm quan trọng của thành tựu này khi tạo điều kiện cho chúng ta xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus. Ngoài ra, việc nuôi cấy và phân lập thành công còn là tiền đề cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống SARS-CoV-2, đồng thời giúp chúng ta biết độc lực của chúng, góp phần điều trị cho các bệnh nhân.

Sản xuất thành công bộ sinh phẩm rRT-PCR

Ngày 5/3, bộ Y tế quyết định cho phép sản xuất đại trà bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm, đồng thời xuất khẩu và hỗ trợ quốc tế trong việc phòng, chống COVID-19. Qua đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đầu tiên có thể tự sản xuất sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Mỹ.

Sau một tháng, học viện Quân y cùng Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 với khả năng sản xuất khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên ba lần.

Bộ kit được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với các tiêu chí độ nhạy, đặc hiệu, chính xác, độ lặp lại. Kết quả cho thấy các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và WHO sản xuất. Đặc biệt, bộ kit được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế đều cho kết quả chính xác, tin cậy tại tất cả thiết bị và các lần thử nghiệm.

Quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và sản xuất có quy trình hết sức nghiêm ngặt. Bộ kit rRT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm (Labo) thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8.

Bộ kit đã được WHO chấp thuận và dán nhãn CE (tiêu chuẩn châu Âu). Đến nay, 8 quốc gia trên thế giới đang sử dụng bộ kit rRT-PCR do Việt Nam cung cấp.

Lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam ra chỉ thị giãn cách xã hội toàn dân để phòng dịch. Ảnh minh họa: Hoàng Giám.

Nhiều lần kiểm soát dịch thành công

Ngày 30/1, sau nhiều thông tin về dịch bệnh lạ mang tên COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam phát hiện 5 bệnh nhân đầu tiên là người Việt trở về từ khu vực này tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Không còn là căn bệnh xa lạ trên thế giới, sự kiện này đã phần nào dấy lên sự lo lắng và hoang mang của người Việt. Tuy nhiên, bất chấp hiểu biết hạn chế về SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã phần nào phong tỏa cách ly thành công 16 người dương tính với chủng virus này thời điểm đó.

Tiếp đó, Hà Nội ghi nhận BN17. Mang theo virus từ Pháp, BN17 vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng và mở ra một giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công tác truy vết, cách ly và điều trị được đẩy mạnh cùng số ca dương tính tăng vọt.

Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đưa ra chỉ thị giãn cách xã hội. Người dân được khuyến cáo ở nhà và hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, chỉ ra đường khi cần thiết.

Tuy nhiên, động thái quyết liệt của Chính phủ đã cho thấy hiệu quả khi sau đó, Việt Nam đã trải qua 99 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Đợt dịch này đã để lại nhiều bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam. Thời gian tiếp theo cũng là giai đoạn chúng ta kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh, các chuyến bay bị hạn chế, đặc biệt tại những vùng có dịch.

Tới ngày 25/7, Việt Nam một lần nữa đối mặt với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, thách thức lần này lớn hơn rất nhiều khi BN416 được phát hiện liên quan các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng. Đây là môi trường có nhiều người cao tuổi, mang bệnh lý nền cùng sức đề kháng kém.

Đáng nói hơn, chúng ta không tìm ra F0 khi nguồn lây nhiều khả năng đến từ hành vi nhập cảnh trái phép. Đà Nẵng nhận lệnh giãn cách xã hội, đồng thời phong tỏa mọi hoạt động ra vào thành phố.

Tuy nhiên, động thái này không ngăn được số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng kỷ lục trong thời gian ngắn. Với đối tượng bệnh nhân đặc thù, chúng ta cũng phải chứng kiến những ca tử vong đầu tiên.

Trong khó khăn, chúng ta được chứng kiến sự phối hợp và vào cuộc của toàn ngành y tế cùng mọi đơn vị trên cả nước. Một lần nữa, Việt Nam lại vượt qua giai đoạn được đánh giá là khốc liệt nhất của dịch Covid-19 với lệnh dỡ phong tỏa cho các bệnh viện ở Đà Nẵng.

Công tác khử khuẩn tại khu dân cư Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám.

Số người nhiễm virus trong cộng đồng dừng lại, chúng ta may mắn được sống trong trạng thái bình thường mới, phát triển kinh tế kết hợp các biện pháp phòng dịch. 89 ngày sau đó, Việt Nam tiếp tục triển khai chặt chẽ công tác cách ly người nhập cảnh và điều trị cho các bệnh nhân từ nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các chuyên gia luôn nhấn mạnh các nguy cơ từ nguồn lây này. Mới đây, chúng ta cũng ghi nhận các trường hợp cách ly sai quy định và nhập cảnh trái phép, mang đến nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng. Bộ Y tế và Chính phủ đã phát lệnh đẩy mạnh công tác phòng dịch thời điểm cuối năm, qua đó giúp người dân đón Tết Nguyên đán an toàn.

Ba lần cơ bản kiểm soát tốt tình hình cùng thành công trong nhiều giai đoạn rải rác khi ứng phó nhanh, dập dịch từ những ca nghi ngờ, Việt Nam đã giữ vững thành quả chống dịch.

Cứu sống các bệnh nhân nặng

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), từng cho hay hành trình điều trị và hồi phục của BN19 (bác BN17) là điều anh và các đồng nghiệp không thể quên.

BN19 nhập viện ngày 7/3. 9 ngày sau, nữ bệnh nhân bất ngờ tổn thương phổi nặng 80%, 2 lá phổi gần như trắng xóa. Bà nhanh chóng suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn biến bệnh nghiêm trọng. Tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu và khó lượng, thậm chí có thời điểm ngừng tuần hoàn.

May mắn, sau những nỗ lực cấp cứu, BN19 ổn định dần, không có di chứng và được công bố khỏi bệnh ngày 26/5. BN19 được đánh giá là bệnh nhân COVID-19 có thời gian điều trị dài ngày nhất ở Việt Nam thời điểm đó. Sự thành công trong điều trị ca bệnh này đã thể hiện rõ tâm huyết và khả năng của ngành y tế Việt Nam ở bối cảnh chúng ta chưa có thuốc điều trị COVID-19.

Việc điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 nặng tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phạm Thắng.

Một trường hợp khác gây tiếng vang lớn cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam là BN91. Nam phi công người Anh 43 tuổi được công bố khỏi bệnh ngày 6/7 sau gần 3 tháng điều trị.

Trước đó, BN91 được ghi nhận dương tính với SARS-CoV-2 ngày 18/3. Từ khi nhiễm virus, nam phi công liên tục có nhiều chuyển biến xấu, phổi có lúc tổn thương đến 90%.

Sau 65 ngày tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19, tình trạng phổi hồi phục 20-30%. Ngày 22/5, ông được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy, tuy nhiên, tình trạng phổi của BN91 chưa thực sự khả quan.

Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy nhận định bệnh nhân mắc COVID-19 cùng hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do Burkholderia cepacia, nhiễm nấm máu và tổn thương thận cấp, tiên lượng nặng. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, BN91 may mắn hồi phục tốt. Ngày 8/6, ông có thể ngồi dậy, đung đưa 2 chân và viết vào bảng. Một ngày sau, bệnh nhân thậm chí có thể sử dụng điện thoại.

Ngày 11/7, BN91 chính thức xuất viện. Ông được các đơn vị phối hợp tổ chức đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Nam phi công cùng bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) trước khi lên máy bay trở về quê hương lúc 23h cùng ngày.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế; Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chỉ riêng tháng 4, khi BN91 rất nặng, Tiểu ban điều trị đã có 4 buổi hội chẩn liên tiếp nhằm tìm giải pháp cho bệnh nhân này. Công việc của họ tương tự vào các tháng sau đó trước khi BN91 về nước.

Đây là 2 ca bệnh nặng nhất trong các khoảng thời gian khác nhau của dịch COVID-19 tại Việt Nam và được cứu sống trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, ở những giai đoạn sau, chúng ta còn ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng vì COVID-19 và may mắn được chữa khỏi như BN793, BN1045 hay BN812.