'Phát hỏa' vì con không tập trung học bài, bố mẹ áp dụng ngay các chiêu này

Nếu cha mẹ nào đang loay hoay không biết phải xử lý ra sao khi con luôn mất tập trung, tâm hồn treo ngược cành cây khi học bài thì hãy tham khảo những cách dưới đây.

Ở độ tuổi còn nhỏ, trẻ thường kém tập trung hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Chuyện các con chỉ có thể tập trung được từ khoảng 10 cho tới 20 phút rồi lại sao nhãng, bỏ việc nọ làm việc kia là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên nếu như việc mất tập trung này diễn ra ra thường xuyên liên tục thì có lẽ đây thực sự là một vấn đề mà bố mẹ cần phải xem xét. Vậy cha mẹ phải làm sao để con cải thiện được tình trạng trên?

Tạo không gian học tập lý tưởng cho sự tập trung

Phụ huynh nên tạo cho trẻ không gian học tập thoáng đãng tránh tiếng ồn. Ảnh minh họa

Thông thường trẻ không thể nào tập trung được trong một không gian đầy tiếng ồn và đầy những thứ khiến trẻ xao nhãng, mất tập trung đối với việc học. Bởi vậy một điều quan trọng không kém là hãy tạo cho các con một không gian học tập lý tưởng nhất.

Cha mẹ hãy nhớ, góc học tập được trang trí bởi những hình ảnh tạo cho con sự thoải mái, dễ chịu, hãy lồng ghép thêm những câu danh ngôn, câu nói hay về học tập để khích lệ tinh thần học tập của con.

Tạo hứng thú cho trẻ khi bắt đầu học bài

Chúng ta chỉ tập trung làm việc khi chúng ta thực sự có hứng thú với công việc đó, đối với trẻ nhỏ cũng không phải ngoại lệ. Do đó, cha mẹ hãy giúp con tìm được niềm vui và sự hứng thú trong việc học. Ví dụ: tạo sự tương tác để con không nhàm chán, học cùng bạn bè, khen ngợi khi con đạt kết quả tốt…

Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm một phương pháp giúp con vừa học - vừa chơi để con học với tâm lý thoải mái, vui vẻ.

Cân đối thời gian giữa học tập và vui chơi

Khi thấy con bắt đầu chán học, cha mẹ hãy thử tạo một chút niềm vui để hấp dẫn trẻ. Ảnh minh họa

Cha mẹ hãy cùng con xây dựng một thời gian biểu hợp lý, cho con được nghỉ ngơi và giải trí để khôi phục năng lượng. Nhờ vậy, con sẽ thoải mái và yêu thích việc học hơn.

Tập cho con đọc sách

Bố mẹ và trẻ mỗi người lấy một cuốn sách giống hệt nhau, chọn một bài viết để trẻ đọc to lên rồi ghi lại những chỗ trẻ đọc sai, sau đó cho trẻ đọc lại từ đầu xem tốc độ có nhanh hơn và có giảm lỗi không.