Khi nào biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú được thay thế bởi ngăn chặn Tạm giam?

Theo luật sư, thay thế biện pháp ngăn chặn là cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền bỏ biện pháp ngăn chặn mà bị can, bị cáo đang phải thi hành và thay vào đó là biện pháp ngăn chặn khác có thể nghiêm khắc hơn hoặc ít nghiêm khắc hơn.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội có những phân tích về biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp ngăn chặn Tạm giam và khi nào thì biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú được thay thế bởi biện pháp ngăn chặn Tạm giam.

Biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú

Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự do người có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam.

Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự đối với bị can đang tại ngoại, nếu xét thấy không cần áp dụng biện pháp tạm giam thì Thẩm phán có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong trường hợp này, Thẩm phán triệu tập bị can đến trụ sở Tòa án để giao Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, yêu cầu bị can làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình và phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

Đồng thời, với việc ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì Thẩm phán phải thông báo về việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cho chính quyền xã, phường, thị trấn đó để quản lý, theo dõi bị can.

Về thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, theo quy định tại khoản 4 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự.

khi nao bien phap ngan chan cam di khoi noi cu tru duoc thay the boi bien phap ngan chan tam giam dspl 1

Cấm đi khỏi nơi cư trú và Tạm giam là 2 biện pháp ngăn chặn được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Ảnh minh họa

Biện pháp ngăn chặn Tạm giam

Tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn: Điều tra, truy tố, xét xử; thời hạn tạm giam bị can, bị cáo được quy định theo những căn cứ khác nhau, phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng để đảm bảo cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này”.

Tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: a) Đưa vụ án ra xét xử; b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiệm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khi nào biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú được thay thế bởi biện pháp ngăn chặn Tạm giam?

Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, thay thế biện pháp ngăn chặn là cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền bỏ biện pháp ngăn chặn mà bị can, bị cáo đang phải thi hành và thay vào đó là biện pháp ngăn chặn khác có thể nghiêm khắc hơn hoặc ít nghiêm khắc hơn.

Biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú được thay thế bởi biện pháp ngăn chặn Tạm giam trong trường hợp cơ quan chức năng xét thấy, bị can trong vụ án có khả năng thực hiện hành vi gây bất lợi trong quá trình điều tra có thể kể đến như bỏ trốn.

Biện pháp tạm giam được xem là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trực tiếp tác động đến quyền tự do cá nhân, danh dự, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân khác.

Theo Người Đưa Tin