Khởi tố, bắt tạm giam đối với hiệu trưởng có hành vi tham nhũng tại Lâm Đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với một hiệu trưởng trường dân tộc nội trú, liên quan đến hành vi tham nhũng 11 tỷ đồng.

Ngày 27/3, công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Văn Phụ, hiệu trưởng trường THCS - THPT Dân tộc nội trú Liên huyện phía nam Lâm Đồng (đóng tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) về tội Tham ô tài sản và làm rõ những sai phạm nghiêm trọng về tài chính tại ngôi trường có trụ sở tại huyện Đạ Tẻh.

Báo Người Lao Động đưa tin, theo tài liệu của cơ quan điều tra, ông Phụ làm hiệu trưởng trường này đã hơn 20 năm. Trong suốt quá trình làm việc, ông Phụ cùng bà N.T.Q.N. (nhân viên văn thư - thủ quỹ của trường) thông đồng tham ô chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng.

Trường nội trú, nơi ông Phụ công tác (Ảnh: Người Lao Động)

Cũng theo tin trên báo Tiền Phong, vào ngày 9-12-2019 vừa qua, bà N.T.Q.N được phát hiện chết trong tư thế treo cổ tại phòng chứa đồ của học sinh, ngay dưới chân cầu thang. Bà N. có để lại trên bàn làm việc một bức thư tuyệt mệnh.

Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với công an huyện Đạ Tẻh vào cuộc tiến hành điều tra xác minh, làm rõ một số sai phạm về tài chính xảy ra tại ngôi trường này, các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhằm điều tra làm rõ cái chết của bà N.T.Q.N, đồng thời thu giữ tang vật là bức thư tuyệt mệnh do bà N. để lại để phục vụ công tác điều tra.

Hiện vụ việc đang được tiến hành điều tra, làm rõ.

Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng357 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.