Khốn khổ vì nhân viên lợi dụng uy tín nhà hàng để vay nợ

Có người đến đòi nợ, chị Hồng - chủ một nhà hàng khá nổi tiếng ở Lào Cai nghi ngờ chồng quay lại con đường ăn chơi sa đọa nên vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Đến khi tìm hiểu kỹ, chị mới tá hỏa vì con nợ lại chính là nhân viên của nhà hàng. 

Liên tục bị “vạ” đòi tiền

Vợ chồng chị Đào Minh Hồng là chủ một nhà hàng khá nổi tiếng ở trung tâm thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đang yên ổn làm ăn thì dịch bệnh Covid-19 kéo đến. Dù không phải điểm nóng của cả nước nhưng việc kinh doanh nhà hàng của chị Hồng cũng chịu ảnh hưởng.

Theo lời chị Hồng, khi chưa có dịch, nhà hàng mở từ 10h sáng đến 23h và không lúc nào vắng khách. Nhân viên phục vụ liên tục tại đây khoảng 30 người, trong đó đa phần là nam, trình độ phổ thông và tuổi đời dưới 25. Do khéo tay nên chồng chị làm bếp trưởng, có 4 phụ bếp và chị làm quản lý chính.

Tháng 4 vừa qua, lượng khách giảm hẳn do dịch bệnh, chị Hồng bàn với chồng tạm thời đóng nhà hàng một thời gian về quê ở Hải Phòng. Chị cho nhân viên nghỉ, thanh toán lương, thưởng đầy đủ, còn cho thêm để trang trải cuộc sống phụ giúp gia đình.

Được biết, nhân viên làm việc tại nhà hàng của chị Hồng đa số là người ở các huyện trong tỉnh, hoàn cảnh gia đình đều khó khăn. Chị nhận họ vào làm, thuê riêng một nhà bên cạnh làm chỗ ở, bao ăn và trả lương từ 5-7 triệu đồng/người, tùy năng suất lao động.

Chị Hồng gặp rắc rối lớn vì nhân viên vay nợ không trả.

Có bà chủ tốt bụng, lại chăm lo cho đời sống nhân viên nên ai cũng quý và gọi chị thân mật là “U Hồng”. Bởi thế, suốt nhiều năm qua, nhân viên chỗ chị không ai chuyển đi, chỉ có tuyển thêm người để mở rộng kinh doanh.

Đến khoảng giữa tháng 10, chị Hồng mới quay lại TP. Lào Cai, túc tắc mở lại nhà hàng. Do khách chưa đông nên chị cũng chỉ gọi 1/3 số nhân viên quay lại làm việc để duy trì kinh doanh, giữ mối làm ăn về sau.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, chị liên tục phải tiếp những “vị khách từ trên trời rơi xuống”. Họ đến nhà hàng của chị để… đòi tiền.

“Hôm đầu tiên có người đến đòi nợ, vợ chồng tôi lại đi lấy hàng không có nhà. Hai cậu con trai còn bé nghe câu được câu chăng thì về bảo bố mẹ là có người đến đập bàn ghế đòi trả nợ, không trả thì sẽ hết cửa làm ăn.

Trước đây, chồng tôi cũng từng có quá khứ nợ nần bất hảo nên cả nhà mới phải ‘dạt’ lên đây làm ăn, lập nghiệp từ năm 2012, thành ra tôi lại nghi ngờ căn vặn chồng. Tôi cứ tưởng anh quay về con đường cũ, bao nhiêu công sức của tôi bỏ ra gây dựng lại cuộc sống thành công cốc, nên vợ chồng còn lục đục mấy hôm”, chị Hồng kể.

Mấy hôm sau, lại có người đến đòi nợ. Lúc này chị Hồng hỏi rõ đầu đuôi, hóa ra là họ đến tìm nhân viên của chị để đòi nợ. “Vì quán tôi làm ăn ở đây đã lâu, cũng có tiếng và uy tín, nên có lẽ khiến những người cho vay cảm thấy tin tưởng. Cứ nói quán bà Hồng là người dân khắp thành phố này chẳng lạ lẫm gì. Thành ra, tôi lại bị vạ lây bởi nợ của nhân viên”, chị Hồng nói.

Mang tiếng bao che cho nhân viên

Vậy là từ đầu tháng 11 đến nay, chị Hồng liên tục bị chủ nợ của nhân viên tìm đến đòi tiền. Họ không đòi tiền của chị, nhưng việc xuất hiện tại nhà hàng rồi tìm kiếm người cũng khiến chị gặp khá nhiều rắc rối. “Mà trùng hợp lạ kỳ là nợ lại rơi đúng mấy đứa tôi không gọi lên làm đợt này. Thế nên khi người cho vay đến đòi, không gặp con nợ, họ càng hậm hực, còn gây gổ với nhà hàng vì tưởng chúng tôi bao che cho nhân viên”, chị Hồng kể.

Theo lời chị Hồng, tính đến nay, đã có 7 nhân viên cũ lấy uy tín của nhà hàng do chị quản lý vay mượn khiến gia đình chị vạ lây. Các nhân viên này đều không trở về quê khi nhà hàng đóng cửa mà giấu giếm gia đình, bám trụ lại thành phố. Dịch bệnh, không có công ăn việc làm, họ tìm đến các đơn vị vay không phép với hình thức vay nhanh, lãi cao để có tiền tiêu xài.

Chị Hồng cho biết số tiền nợ của nhân viên không quá nhiều, chỉ 20-30 triệu đồng, nếu họ còn làm ở đây, chị sẽ sẵn sàng trả nợ rồi trừ dần vào lương trong vòng mấy tháng là hết. Nhưng giờ họ đều không ở đây, lại không về nhà, chị cũng không biết tìm ở đâu để hỏi cho rõ ngọn ngành, điện thoại thì không liên lạc được.

“Giờ là 7, rồi thời gian tới không biết còn có thêm đứa nào không? Nếu mấy đứa quay về đây chăm chỉ làm ăn, tôi sẽ giúp. Nhưng giờ không liên lạc được thì cũng không biết nợ nần thế nào mà tính. Tôi chỉ mong muốn được yên ổn làm ăn, dù sao đây cũng là nơi đất khách quê người, chúng tôi không muốn có điều tiếng gì không hay”, chị Hồng tâm sự.

Theo Người Đưa Tin