Khủng hoảng thừa gia cầm, người chăn nuôi phía Nam lao đao

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 mà các đàn gia cầm tại phía Nam rơi vào tình cảnh khủng hoảng thừa, không có đầu ra khiến giá bán liên tục giảm sâu.

Đứt gãy kênh tiêu thụ tại TP.HCM

Ghi nhận trên thị trường vào trong những ngày đầu tháng 8/2021, giá gà công nghiệp khu vực phía Nam giảm xuống còn 5.000 đồng/kg (gà quá trọng lượng) và 7.000-9.000 đồng/kg (gà đúng trọng lượng). Đây được xem là mức giá thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Theo các công ty chăn nuôi, giá thành nuôi gà công nghiệp hiện nay ở mức 27.000-28.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu vào thì người nuôi gà bị thua lỗ 20.000 đồng/kg bán ra (loại thường). Một con gà đạt chuẩn xuất chuồng (2,5kg/con) sẽ lỗ 50.000 đồng. Trong khi gà quá ngày tuổi thì lỗ nặng hơn nhiều, do thời gian nuôi thêm vẫn phải tốn chi phí thức ăn, chuồng trại, hao hụt mà giá lại giảm.

Tại tỉnh Đồng Nai, số liệu của sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, tổng đàn gia cầm của địa phương đạt trên 25,6 triệu con, chủ yếu là gà công nghiệp. Tổng đàn gà tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái nên nguồn cung rất dồi dào.

Trong khi đó đầu ra lại gặp khó khăn nên đây là một trong những mặt hàng có giá giảm sâu nhất hiện nay. Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại dưới 10.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Tiêu dùng & Dư luận - Khủng hoảng thừa gia cầm, người chăn nuôi phía Nam lao đao

Người chăn nuôi gà tại các tỉnh phía Nam đang lao đao vì không có kênh tiêu thụ khiến giá cả xuống thấp, thua lỗ nặng nề.

Ông Lê Phương Hải, chủ một trại chăn nuôi gia cầm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, dù chấp nhận bán gà với giá thấp nhưng vẫn không tìm được thương lái thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt nên gà quá lứa bị tồn tại trại nuôi khá nhiều.

Do chậm xuất bán, các trại nuôi xảy ra tình trạng đàn gà chen chúc vì quá tải, thời tiết nắng nóng như hiện nay khiến gà chết với số lượng hàng trăm con/ngày. Tình trạng gà không xuất bán được bắt đầu từ khi TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách rồi đến hàng loạt các tỉnh, thành khác như Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

“Giá thành chăn nuôi gà trắng hiện nay lên đến 28-29.000 đồng/kg nhưng giá gà bán tại trại có thời điểm chỉ còn 6-7.000 đồng/kg mà vẫn khó tìm thương lái mua. Những trại gà công nghiệp chăn nuôi với quy mô lớn đang thua lỗ hàng tỷ đồng/lứa gà”, ông Hải lo lắng.

Còn ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ hệ thống trại chăn nuôi gà đạt chuẩn VietGAP tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bày tỏ băn khoăn: “Thị trường tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng gà công nghiệp là TP.HCM đã giảm rất mạnh do hàng loạt các chợ đầu mối, chợ truyền thống đều ngưng hoạt động trong khi đây là kênh tiêu thụ đến 60-70% tổng sản lượng mặt hàng này”.

Hiện nay, cơ sở giết mổ của ông Long chỉ duy trì đạt mức 60-70% công suất giết mổ so với trước. Lý do một phần vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm sút, một phần doanh nghiệp thiếu đội ngũ lao động vì thực hiện giãn cách và tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch.

Cần có giải pháp nhanh chóng, căn cơ

Không chỉ đối với gà xuất bán, thị trường gà giống cũng điêu đứng như các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định gặp khó khăn bủa vây.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất giống gà ta chất lượng cao là công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước và công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát.

Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư mỗi năm sản xuất trên 60 triệu con gà giống thương phẩm, tiêu thụ trong nước 95% và xuất khẩu 5%. Còn công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh mỗi năm cho ra đời gần 30 triệu con gà giống 1 ngày tuổi, cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.

Những năm qua, các tỉnh miền Nam, miền Tây là thị trường lớn về tiêu thụ gà giống của các doanh nghiệp ở Bình Định, bởi phong trào chăn nuôi gà ở đây phát triển rất mạnh. Thế nhưng trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ gà giống tại khu vực này không còn hanh thông như trước mà đang phát sinh nhiều khó khăn khiến chi phí vận chuyển tăng cao, gà giống hao hụt nhiều. Thậm chí có nhiều chuyến hàng đã chở đến nơi nhưng phải quay đầu xe chở hàng về, vì không đưa gà giống đến tay khách hàng được.

“Trước đây, 1 xe chuyên dụng cỡ lớn chúng tôi chở được 40.000 con gà giống. Bay giờ, nếu có đơn hàng lớn, khách hàng mua 1 lần 35.000 con chúng tôi phải chia thành 2 xe nhỏ để gà giảm ngộp bị chết dọc đường. Như vậy, công ty tốn thêm chi phí 1 chuyến xe từ 2-3 triệu đồng.

Dù đã chia nhỏ để vận chuyển để tránh hao hụt, tránh gà giống bị chết do ngộp thì gà cũng bị mất sức, nếu khách hàng nhận gà về trang trại thả nuôi mà có hao hụt thì khoản này công ty cũng phải chịu, đây cũng là sự chia sẻ khó khăn của công ty đối với khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay”, đại diện công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho hay.

Tiêu dùng & Dư luận - Khủng hoảng thừa gia cầm, người chăn nuôi phía Nam lao đao (Hình 2).

Các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh, Long An,...đều có hàng triệu con gà không thể xuất bán khiến lãng phí chi phí chăn nuôi.

Chỉ ra nguyên nhân mặt hàng gà công nghiệp rớt giá không phanh, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho rằng, đầu ra cho mặt hàng gà trắng hiện nay rất khó khăn do nhu cầu tiêu thụ của các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm mạnh khi nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giảm lượng công nhân; các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đóng cửa nhiều tháng nay, hoạt động xuất khẩu cũng đình đốn đều do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Một khó khăn không nhỏ khác khiến gà đến lứa vẫn không xuất bán được vì việc vận chuyển hàng qua các chốt kiểm soát dịch tại nhiều địa phương hiện nay không dễ và chi phí tăng. Các khâu giết mổ, sơ chế gia cầm cũng bị đứt gãy khi hàng loạt các lò giết mổ, chủ yếu là ở TP.HCM ngừng hoạt động hoặc giảm công suất”, ông Quyết phân tích.

Ngay cả kênh tiêu thụ lớn và ổn định từ trước đến nay là các nhà máy chế biến cũng có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều bất cập là gà trong nước bị ùn ứ do khâu phân phối bị đứt gãy trong khi thịt ngoại vẫn được nhập khẩu rất nhiều, có lợi thế cạnh tranh hơn trong khâu phân phối.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, địa phương đang tồn đọng hơn 1 triệu con gà chưa tiêu thụ được do khó khăn trong việc vận chuyển. Trong khi người chăn nuôi ở tỉnh Long An cũng loay hoay vì gần 2 triệu con gà không có đầu ra do hệ thống chợ truyền thống tạm dừng hoạt động.

Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật