Kịch bản đón học sinh trở lại trường của các địa phương trên cả nước

Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, theo đó nhiều địa phương đã xây dựng phương án sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tp.Đà Nẵng dự kiến cho học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp từ ngày 1/11; học sinh các khối lớp còn lại sẽ đến trường từ ngày 8/11.

Địa phương này đang xây dựng kế hoạch sớm tiêm vắc-xin cho học sinh từ 15 tuổi đến 18 tuổi, bảo đảm tất cả học sinh cấp THPT đều được tiêm mũi 1 trước khi đi học trở lại.

Theo báo Lao Động, tại Tp.HCM, từ sáng 20/10, gần 250 học sinh ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã đến trường học tập trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Các trường học khác trên địa bàn Tp.HCM nếu đạt 8 tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn về phòng, chống dịch thì sẽ được mở cửa đón học sinh đi học trở lại.

Cụ thể, bộ tiêu chí này bao gồm 10 điều: Giáo viên, nhân viên phải có mã QR xanh có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng y tế Tp.HCM hoặc sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-COVID; số lượng học sinh, giáo viên tập trung tối đa cùng một thời điểm; khoảng cách giữa mọi người trong phòng học, phòng làm việc, ở bên ngoài; tổ chức hoạt động bán trú, xe đưa đón; tổ chức hoạt động nội trú hoặc hoạt động sau 16h30 đối với trường mầm non…

Giáo dục - Kịch bản đón học sinh trở lại trường của các địa phương trên cả nước

Tại Cà Mau các trường ở cấp độ dịch an toàn được học trực tiếp từ 25/10.

Ngày 22/10, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau ban hành văn bản triển khai đến UBND các huyện và Tp.Cà Mau về việc tham mưu UBND tỉnh tổ chức dạy và học trong tình hình mới.

Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho cấp mầm non tiếp tục nghỉ cho đến khi có thông báo mới. Từ ngày 25/10, giáo dục phổ thông (cấp tiểu học, THCS và THPT) tổ chức dạy và học trực tiếp đối với những trường thuộc cấp độ 1 theo quy định của Sở Y tế.

“Tuy nhiên, không phải trường nào thuộc cấp độ 1 cũng cho học sinh đi học trở lại mà phải lựa chọn những trường thuộc khu vực thực sự an toàn. Riêng các trường trên địa bàn phường thuộc Tp.Cà Mau không tổ chức dạy và học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới”, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau quy định.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường kịp hoàn thành tổng vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp lại phòng học. Trên từng địa bàn, những trường dọn dẹp xong, đảm bảo đủ điều kiện là khẩn trương tổ chức dạy và học, không cầu toàn đợi đến khi hoàn thành trên phạm vi cả huyện, thành phố.

Ngày 21/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng phương án cho học sinh trở lại trường và trình UBND Tp.Hà Nội xem xét, quyết định. Được biết, phương án mới mà Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất cho học sinh đến trường căn cứ đánh giá mức độ dịch theo các cấp độ dịch Covid-19 của từng địa phương.

Đề xuất gần nhất là đưa ra bốn phương án. 3/4 phương án từng được Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất là cho học sinh quay lại trường từ ngày 25/10, tùy theo học sinh các lớp được ưu tiên và các khu vực đảm bảo an toàn. Tuy nhiên đến nay Hà Nội vẫn chưa chốt được việc này.

Giáo dục - Kịch bản đón học sinh trở lại trường của các địa phương trên cả nước (Hình 2).
Giáo dục - Kịch bản đón học sinh trở lại trường của các địa phương trên cả nước (Hình 3).
Giáo dục - Kịch bản đón học sinh trở lại trường của các địa phương trên cả nước (Hình 4).

Kịch bản đón học sinh trở lại trường của 63 tỉnh thành (Ảnh: VTCNews)

Tại Phú Thọ, căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, huyện Phù Ninh; các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã Hương Nộn, xã Bắc Sơn của huyện Tam Nông và xã Phú Hộ của Thị xã Phú Thọ tiếp tục dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới.

Các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn huyện Tam Nông và Thị xã Phú Thọ tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 25/10.

Trước đó, ngày 19/10, trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương rà soát điều kiện để cho học sinh học trực tiếp; ưu tiên tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ.

Căn cứ để xác định có thể dạy học trực tiếp hay không phụ thuộc vào phân loại cấp độ dịch trên địa bàn. Trong đó, các địa bàn dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) có thể dạy học trực tiếp nhưng củng cố điều kiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch diễn biến phức tạp.

Theo đó, những địa phương cấp độ 3 (nguy cơ cao) dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình. "Ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch", hướng dẫn của Bộ nêu.

Đặc biệt các địa bàn dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) cần căn cứ vào thực tế để tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học. Với cấp học mầm non, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp.

Thông tin trên VTC News, hiện, 63 tỉnh, thành đã công bố cấp độ thích ứng an toàn phòng, chống Covid-19. Trong đó, 26 nơi đạt cấp độ 1 về dịch bệnh, 37 nơi cấp độ 2. Các tỉnh, thành còn lại có các cấp độ khác nhau theo từng khu vực.

Trúc Chi (t/h) - Người Đưa Tin