Làm thế nào để giành quyền nuôi con sau ly hôn?

Thời gian sắp tới tôi sẽ giải quyết ly hôn. Chúng tôi chỉ có một người con chung duy nhất được 4 tuổi, chồng tôi và tôi hiện tại đều có công việc ổn định tại một bệnh viện Đa Khoa lớn, mức thu nhập của cả hai tương đương với nhau. Tôi muốn hỏi Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật nếu tôi muốn giành quyền ly hôn thì phải đáp ứng điều kiện gì? Pháp luật có ưu tiên quyền nuôi con cho phụ nữ sau ly hôn hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

(Người hỏi: Thu Quỳnh, Nghệ An)

Trả lời:

Cảm ơn Quý độc giả đã gửi câu hỏi đến Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật. Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy độc giả, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Vì hiện tại con của bạn đã được 4 tuổi, nên căn cứ theo Khoản 2 Điều 81 trích dẫn trên, Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con để quyết định người nuôi con sau ly hôn. Để giành quyền nuôi con, bạn phải chứng minh lợi thế mọi mặt của bạn có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và đảm bảo cho sự phát triển mọi mặt của con, cụ thể:

+ Lợi thế về điều kiện vật chất: Bạn phải chứng minh bạn hoàn toàn có khả năng tài chính để đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu và các nhu cầu lành mạnh khác của con bao gồm:

- Công việc ổn định;

- Thu nhập thực tế;

- Có chỗ ở ổn định, hợp pháp.

+ Lợi thế về tinh thần: Nếu bạn muốn giành quyền nuôi con, bạn phải đảm bảo rằng khi con ở với bạn, bạn sẽ có thời gian chăm sóc, giáo dục, dành nhiều tình yêu thương cho con, để con bạn được sống trong một môi trường lành mạnh, đầy đủ điều kiện vật chất và tinh thần,.... Ngoài ra, nếu bạn có lợi thế từ gia đình như ba, mẹ bạn cũng có thể hỗ trợ bạn chăm sóc nuôi dưỡng cháu thì cũng là một lợi thế rất lớn.

Ngoài đưa ra những bằng chứng thuyết phục về các lợi thế mà bạn có được, bạn cũng cần phải chứng minh được rằng nếu con bạn sống cùng với đối phương sẽ bị hạn chế không được phát triển toàn diện như khi ở với bạn. Chứng cứ mà bạn đưa ra phải đáp đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 95 BLTTDS 2015 về việc xác định chứng cứ hợp pháp như:

- Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận;

- Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó;

- Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử...

Tư vấn bởi Nguyễn Thị Lan Anh - Công ty Luật FDVN