Loại bỏ điểm yếu giáo dục, ngăn nỗi đau phía sau bạo lực học đường

Không chỉ về thể chất, bạo lực học đường về tinh thần cũng khiến nhiều học sinh bị ức chế tâm lý, dẫn đến tự tử. Gia đình, nhà trường phải san sẻ trách nhiệm ra sao?

Học sinh tự tử do bị bạo lực ngày càng nhiều

Những ngày qua, chuyện nữ sinh T. (13 tuổi) bị bạn bè trêu chọc và gán ghép với một bạn nam dẫn đến quyết định tự tử, đang khiến không ít người giật mình về vấn nạn bạo lực học đường vẫn đang gây ra những hệ lụy khó lường.

Trước câu chuyện của nữ sinh T., chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (trung tâm tư vấn tâm lý 247) bày tỏ: “Trường hợp của em T., bị hai bạn nam ngồi cạnh thường xuyên trêu trọc và có những hành động như ném sách hay dùng sách đập vào đầu, đây là hành vi bạo lực thể chất xâm hại tới sức khỏe của em. Đặc biệt, T. đang trong độ tuổi dậy thì, tâm lý vô cùng nhạy cảm, không chỉ chịu bạo lực thể chất từ hai bạn nam ngồi cạnh, T. tiếp tục bị ghép đôi với một trong hai bạn nam đó, càng khiến em chịu thêm áp lực về tâm lý. Đây cũng được coi là hành vi bạo lực tâm lý ở trẻ em (Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016). Sự việc xảy ra thường xuyên và kéo dài trong cả năm học, dẫn tới việc T. bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng là điều không thể tránh khỏi.

Bạo lực học đường vẫn đang diễn ra mỗi ngày.

Theo thống kê chưa đầy đủ của bộ GD&ĐT năm 2010, trung bình một ngày xảy ra trên 5 vụ bạo lực học đường, tới năm 2020, số liệu nghiên cứu tổ tư vấn trong nước của UNESCO công bố cho thấy, 41% học sinh nam và 28% học sinh nữ gặp phải các vấn đề bạo lực thể chất trong nhà trường. Nhìn những số liệu này chúng ta có thể thấy vấn nạn bạo lực học đường ngày càng tăng cao và trở nên nguy hiểm hơn. Từ những ảnh hưởng nhẹ làm giảm sút việc học tập, hay nguy hiểm hơn gây ức chế tâm lý dẫn tới stress, trầm cảm và tự tử diễn ra ngày càng nhiều”.

Vị chuyên gia phân tích thêm: “Trong lúc T. gặp vấn nạn bạo lực học đường, phía gia đình và nhà trường cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ. Giáo viên chủ nhiệm chưa nhanh nhạy nắm bắt tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời các vấn đề của học sinh trên lớp. Người thân của T., đặc biệt là cha mẹ, chưa đủ quan tâm khi không nhận ra những thay đổi bất thường của T. để điều chỉnh tâm lý cho con. Những sơ ý và thiếu sót đó đã làm tâm lý của T. ngày một nặng hơn khi không tìm được sự giúp đỡ, khiến T. quyết định tự tử đầy dại dột.

May mắn khi T. vẫn giữ được mạng sống, nhưng những tổn thương về tinh thần chắc sẽ ảnh hưởng tới em một thời gian dài".

Với kinh nghiệm tư vấn và trị liệu cho hơn 200 trường hợp khác nhau, vị chuyên gia này cho biết đã gặp không ít trường hợp giống như T. Điểm chung là các em đều bị bạn bè cùng lớp trêu trọc, bị lập nhóm nói xấu, ghép hình phản cảm để trêu đùa, v.v… tất cả hành động này dù cố ý hay vô tình đều gây ra tổn thương tinh thần không nhỏ với người bị hại. Việc phát hiện sớm các trường hợp bạo lực học đường là chìa khóa quan trọng giúp trị liệu tâm lý cho nạn nhân hiệu quả nhất. Nếu được phát hiện và trị liệu kịp thời, nạn nhân sẽ không phải chịu nhiều tổn thương tâm lý.

Khắc phục điểm yếu của giáo dục Việt Nam

Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức cũng “hiến kế” để khắc phục và giảm thiểu những trường hợp bạo lực học đường tương tự: “Vấn nạn bạo lực học đường trong lứa tuổi học sinh đã và đang là một vấn đề nguy cấp đối với nhà trường, gia đình và xã hội hiện nay. Lắng nghe những câu chuyện thương tâm của các em học sinh, tôi càng thấy thương cảm, và muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh cùng nhà trường phải thật sự chú trọng hơn tới tâm lý của các em.

Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức.

Nhà trường nên tổ chức thường xuyên các buổi học ngoại khóa, huấn luyện kỹ năng sống cho toàn thể học sinh. Thầy cô giáo nên quản lý, điều chỉnh việc giao tiếp và cư xử giữa các em học sinh với nhau cho phù hợp, hạn chế việc các em nói xấu, chia bè phái, kỳ thị bạn học, gây gổ xích mích trong lớp.

Gia đình và nhà trường cần có sự liên kết chặt chẽ hơn trong việc giáo dục các em. Phụ huynh và thầy cô giáo nên trao đổi chi tiết hơn về việc học tập của các con, hỗ trợ ngay khi các con có biểu hiện bất thường như mất tập trung, giảm sút học tập, giảm sút sức khỏe, căng thẳng tâm lý. Trong gia đình, các bậc phụ huynh nên dành ra 15-30 phút mỗi ngày để trò chuyện với con về những vấn đề ở trường, vừa động viên con vừa cho con sự giúp đỡ ngay khi cần”.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng chỉ ra: “Điểm yếu của giáo dục Việt Nam hiện nay là các nhà trường chỉ quá chú trọng vào dạy chữ, mà ít để tâm đến việc trang bị những kiến thức, kỹ năng phản ứng trước cuộc sống. Chính điều đó đã biến học sinh Việt Nam trở thành những cá nhân rời rạc, yếu đuối, không biết phải xử lý những tình huống phát sinh như thế nào. Học sinh ở lứa tuổi dậy thì rất thích trêu chọc bạn bè, xem đó như một cách để xả năng lượng dư thừa. Khi đối tượng bị trêu chọc càng tổn thương, càng “phát khùng” lên thì những kẻ đó lại càng khoái… Nhà trường nếu theo dõi sát sao được, sẽ kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, răn đe.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, tại các trường học, có tổ tư vấn tâm lý học đường, là những chuyên gia sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu những tâm sự, chia sẻ của học sinh, gợi ý những giải pháp để vượt qua những biến cố. Các nhà trường ở Việt Nam cũng nên học hỏi mô hình này, sẽ giảm được nhiều hệ lụy đáng tiếc cho những học sinh đang từng ngày trở thành nạn nhân của bạo lực học đường”.

Quan trọng là bản lĩnh “ngồi lên dư luận”

“Khi một học sinh bị chế giễu, trêu chọc hay bị đánh, trước hết, chính bản thân phải có bản lĩnh mới có thể tự giúp mình vượt qua. Một số học sinh không có đủ bản lĩnh để chống đỡ với ngoại cảnh, rất dễ bị tổn thươn, dẫn đến tự hủy hoại bản thân. Trong cuộc sống, vốn không trơn tru, thuận lợi, bản thân mỗi học sinh nếu không học được cách đối mặt, sẽ khó tồn tại và phát triển. Không cách nào giải quyết tốt hơn là tự lực cánh sinh, mà trước hết là “ngồi lên dư luận”. Nhiều học sinh bị bắt nạt trong học đường nhiều quá, thậm chí, phải tự tìm hiểu học võ, rèn luyện thể chất để chống đỡ với những biểu hiện bạo lực học đường” - chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh.