Mãnh Hổ Vương đang được quảng cáo bằng hình ảnh phản cảm với công dụng như thuốc kích dục

Mặc dù mới bị cục An toàn thực phẩm (ATTP) xử phạt vào tháng 8/2020, thế nhưng, công ty TNHH Bạch Liên Đường vẫn tiếp tục quảng cáo công dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Mãnh Hổ Vương như thuốc kích dục với nhiều hình ảnh phản cảm.

Thời gian gần đây, tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm TPBVSK Mãnh Hổ Vương có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật về công dụng, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về chất lượng của sản phẩm này.

Sử dụng hình ảnh phản cảm, thổi phồng công dụng

Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm TPBVSK Mãnh Hổ Vương có “Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm” số 2587/2020/ĐKSP ngày 1/4/2020 và “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” số 1425/2020/XNQC-ATTP ngày 29/4/2020 do cục ATTP cấp cho chủ thể là công ty TNHH Bạch Liên Đường (Địa chỉ: Số 152 đường Vũ Duệ, tổ 64, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chịu trách nhiệm.

Sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh (Địa chỉ: Số 119 phố Nguyễn Trãi 1, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Công dụng được phép quảng cáo là: “Hỗ trợ bổ thận, hỗ trợ tráng dương, hỗ trợ tăng cường khả năng sinh lý nam, hỗ trợ hạn chế quá trình mãn dục sớm”.

Sản phẩm Mãnh Hổ Vương không phải thuốc chữa bệnh

Tuy nhiên, theo phán ánh của bạn đọc, trên một website có tên miền manhhovuong.vn lại đang quảng cáo sản phẩm Mãnh Hổ Vương không khác gì thuốc kích dục.

Cụ thể, website này quảng cáo: “Đảm bảo cương dương mãnh liệt và bền vững; Tăng sức bền và khoái cảm khi quan hệ; Kéo dài thời gian quan hệ đến 4 giờ”.

Website quảng cáo sản phẩm như “thuốc kích dục”

Ngoài ra, đơn vị quảng cáo còn vạch ra 4 giai đoạn không tưởng cho sản phẩm cùng lời khẳng định “chắc nịch”: “Sau 30 phút sử dụng viên uống Mãnh Hổ Vương, bạn sẽ cảm thấy cơ thể nóng ran, nóng hừng hực và rạo rực thèm muốn "chuyện ấy”. Những ham muốn ấy phát sinh nhờ lượng hooc-mon sinh lý nam được tăng cường”.

4 giai đoạn không tưởng của sản phẩm được đơn vị quảng cáo vẽ ra

Cùng với đó, website manhhovuong.vn còn sử dụng thêm hình thực liệt kê công dụng từng thành phần như thuốc để quảng cáo cho sản phẩm Mãnh Hổ Vương.

Công ty TNHH Bạch Liên Đường sử dụng hình thức liện kê công dụng từng thành phần như “thuốc” để quảng cáo

Đồng thời, thêm một điều độc giả khó có thể chấp nhận trên website manhhovuong.vn là tràn lan những hình ảnh “thiếu vải”, phản cảm được đăng tải để quảng cáo cho sản phẩm.

Những hình ảnh khiến người lớn phải đỏ mặt trên website của công Ty TNHH Bạch Liên Đường

Vào vai khách hàng đang gặp vấn đề yếu sinh lý, phóng viên đã gọi đến số điện thoại 0928899xxx do Công Ty TNHH Bạch Liên Đường đăng ký trên “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo”. Tiếp nhận cuộc gọi là một nữ nhân viên tự giới thiệu làm việc tại công ty TNHH Bạch Liên Đường.

Sau khi nghe phóng viên “tường thuật” về các biểu hiện yếu sinh lý của bản thân, nhân viên này được dịp “nổ” hàng loạt công dụng “trên trời” về sản phẩm Mãnh Hổ Vương. Đồng thời khẳng định, website manhhovuong.vn kể trên là do Công ty sở hữu và quản lý nội dung.

Ghi nhận ban đầu, nhằm tạo lòng tin, thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm TPBVSK Mãnh Hổ Vương, website trên còn sử dụng hình ảnh bác sĩ cùng hình thức đăng tải bài “nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên website. Điều này đã khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

Hình ảnh bác sĩ và người dùng được sử dụng để quảng cáo

Ngoài ra, không chỉ trên website manhhovuong.vn, sản phẩm này còn quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội, với những công dụng không khác gì thuốc chữa bệnh sinh lý nam.

Sản phẩm mãnh hổ vương quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội với công dụng như thuốc chữa bệnh sinh lý nam

Dấu hiệu vi phạm pháp luật

Để ghi nhận thông tin khách quan và minh bạch, phóng viên đã liên hệ tới công ty TNHH Bạch Liên Đường để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ một phản hồi nào từ đơn vị này.

Trao đổi về những phản ánh nêu trên, Luật sư Tào Văn Đức - công ty luật Tín phát & Cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nhận định: Qua các hình ảnh và thông tin đang được quảng cáo trên website về sản phẩm TPBVSK Mãnh Hổ Vương của công ty TNHH Bạch Liên Đường, có thể thấy, hoạt động quảng cáo này đã vi phạm các quy định của pháp luật như: Hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng, công dụng sản phẩm, hành vi truyền bá các hình ảnh và văn hóa phẩm đồi trụy.

“Căn cứ theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì các hành vi bị cấm bao gồm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố", Luật sư Đức cho biết.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Đức, trong khoản 3 điều 43 của Luật An toàn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: “Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.

Tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có nêu rõ: phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng, gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Hay tại quy định trong khoản 2 điều 27 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của bộ Y tế: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

“Và đối với những hình ảnh quảng cáo “thiếu vải” mà Công Ty TNHH Bạch Liên Đường thực hiện, có thể truy cứu về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, luật sư Đức nói thêm.

Phụ nữ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin...