Mượn chứng chỉ hành nghề xây dựng bị xử phạt như thế nào?

Tình huống pháp lý: Tôi hoạt động xây dựng nhưng do thiếu chứng chỉ hành nghề nên tôi có mượn bạn của tôi để tổ chức hoạt động xây dựng. Tôi muốn hỏi nếu bị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra phát hiện thì tôi bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
34de026aaf419ee3259924565272b98a-1631862115.jpeg

Trả lời:

Khoản 1, 3 Điều 148 Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xây dựng 2020 quy định như sau:

“Điều 148. Quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng

1. Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.

3. Những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật này bao gồm giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì lập thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát thi công xây dựng; chủ trì lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Chứng chỉ hành nghề được phân thành hạng I, hạng II và hạng III

…”

Như vậy, nếu Qúy khách hành nghề hoạt động xây dựng thì phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.

Trường hợp Qúy khách hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định gồm an toàn lao động; giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng.

Nếu Qúy khách không có chứng chỉ theo quy định trên và mượn của người khác để hành nghề mà cơ quan nhà nước phát hiện ra thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 139/2017/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng có một trong các hành vi sau đây:

a) Hoạt động xây dựng không đủ điều kiện năng lực theo quy định hoặc sai chứng chỉ hành nghề hoặc không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề đã hết hiệu lực;

b) Mượn, cho mượn, thuê hoặc cho thuê chứng chỉ hành nghề để hoạt động xây dựng;”

Ngoài ra hành vi vi phạm của Qúy khách còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 23 “Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này” và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định 139/2017/NĐ-CP là “Thông báo cho cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề thu hồi hoặc tuyên hủy chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này”.

Như vậy hành vi mượn chứng chỉ hành nghề của Qúy khách để tổ chức hoạt động xây dựng sẽ bị áp dụng phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra Qúy khách còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thông báo cho cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề thu hồi hoặc tuyên hủy chứng chỉ hành nghề mà Qúy khách đã mượn. Bên cạnh đó người cho Qúy khách mượn chứng chỉ hành nghiề sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng.

Hoàng Thúy Quỳnh – Công ty luật FDVN