Nên ăn sáng ngay khi thức dậy hay đợi cả tiếng sau? Quen ăn sáng thời điểm này khiến dạ dày "kêu cứu"

CTV
Khi thức dậy, nhiều người tranh thủ làm việc khác trước khi ăn sáng. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến dạ dày mà còn dễ gây giảm năng suất lao động.

Bữa sáng rất quan trọng đối với cơ thể, giúp lấp đầy dạ dày sau một đêm dài trống rỗng và cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc mới. Tuy nhiên, nhiều người sau khi thức dậy có cảm giác chưa muốn ăn, thậm chí sẽ làm nhiều công việc khác sau đó mới ăn sáng. Các chuyên gia nhận định đây là một thói quen xấu cần thay đổi. 

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chưa bàn đến chuyện bữa sáng có đủ thành phần dinh dưỡng hay không, vì mỗi người có một sở thích, điều kiện kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, xét về khía cạnh thời gian ăn sáng, nhiều người đang thực hiện chưa thật sự khoa học và hợp lý.

Theo đó, trừ nhóm học sinh và người lao động chân tay sau khi dậy thường sẽ ăn sáng ngay để bắt đầu việc học tập hoặc đi làm, số còn lại dùng bữa sáng khá tùy tiện về mặt thời gian. 

Người cao tuổi thường hay đi tập thể dục sau đó mới ăn sáng là phản khoa học. Ảnh minh họa.

Ví dụ như nhóm người cao tuổi, dù dậy khá sớm nhưng sau khi vệ sinh xong, họ thường đi tập thể dục buổi sáng. Sau khi tập xong trên đường về tiện thể ăn sáng luôn hoặc về nhà mới ăn. Hay như nhóm dân văn phòng, buổi sáng sau khi thức dậy thường đến nơi làm việc, họp hành, báo cáo công việc sau đó mới đi ăn sáng. 

Lý do mọi người đưa ra là buổi sáng mới ngủ dậy khó ăn, ăn không vào nên phải làm một số việc khác rồi mới ăn sáng. Việc này cứ thực hiện từ ngày này, sang ngày khác và lâu dần thành thói quen.

PGS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và cả năng suất làm việc. Theo bà, bữa sáng rất quan trọng và cần thiết với mọi người, nên thực hiện ngay sau khi ngủ dậy, vệ sinh cá nhân xong.

“Đa số mọi người đều nhịn trong khoảng 8 đến 10 tiếng vào ban đêm, do vậy khi thức dậy dạ dày trống rỗng, dịch vị axit nhiều nên việc ăn sáng ngay sau khi ngủ dậy là cần thiết. Việc đi thể dục, làm việc trước khi ăn sáng sẽ khiến dịch vị axit tiết ra càng nhiều, lâu ngày có thể ảnh hưởng rất đến dạ dày”, bác sĩ Lâm phân tích.

PGS Lâm cũng khuyến cáo, với người cao tuổi bữa, sáng sớm thường khó ăn nhưng cũng không nên nhịn, có thể lót dạ trước bằng một hộp sữa hoặc đồ ăn nhẹ, tuyệt không để bụng trống rỗng. Với những nhóm khác, cần ăn sáng càng sớm càng tốt sau khi ngủ dậy để cơ thể được nạp năng lượng cho một ngày làm việc mới.

Dân văn phòng ăn sáng muộn sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ, năng suất lao động. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm trên, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế (BV Nội tiết Trung ương) cho biết, để khoảng cách quá dài từ khi thức dậy đến khi dùng bữa sáng, ngoài dạ dày thì khả năng trí não cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, khi năng lượng cạn kiệt mà không được nạp đủ, trí tuệ kém minh mẫn, hiệu quả làm việc kém. Thậm chí còn có thể gặp một vài vấn đề khác như chóng mặt, hạ đường huyết, hơi thở có mùi hôi…

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, bữa sáng nên ăn sau khi thức dậy khoảng 20-30 phút. Trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. 

Ngoài ra, bữa sáng cung cấp năng lượng cho ngày làm việc mới, nên cố gắng ăn đủ các nhóm chất và đa dạng thực phẩm. Không nên ăn đồ đông lạnh, uống nước ép lạnh vào buổi sáng. Thay vào đó nên dùng thực phẩm ấm nóng. Buổi sáng cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, lâu dài có hại cho sức khỏe.