Ngấm đòn Covid-19, lợi nhuận ngân hàng có thể giảm 19% trong quý III?

Theo Yuanta Việt Nam, tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng cao là nguyên nhân khiến lợi nhuận ngành ngân hàng có khả năng giảm trong quý III.

loi-nhuan-ngan-hang-1632815321.jpeg

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận quý III/2021 của ngành ngân hàng có thể giảm 19% so với quý II.

Cụ thể, Yuanta Việt Nam nhận định tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khá thấp, song không phải là điều quá bất ngờ trong bối cảnh tác động từ đại dịch.

Tính trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn đạt 7,4% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức 4,8% trong cùng giai đoạn năm 2020.

Nhóm phân tích tin rằng tăng trưởng tín dụng trong quý III sẽ được thúc đẩy chủ yếu nhờ vào các khoản cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và trái phiếu doanh nghiệp. Đến quý IV, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

"Nhìn chung, chúng tôi dự báo rằng thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 sẽ giảm 2% so với quý II. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trong quý IV/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại", báo cáo của Yuanta nêu rõ.

Bên cạnh đó, biên lãi ròng (NIM) được đánh giá sẽ giảm trong quý III do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống toàn ngành cải thiện kể từ đầu tháng 6, cụ thể là lãi suất qua đêm đã giảm 0,86 điểm %.

"Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm. Vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong quý IV/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Ngoài ra, kỳ vọng thu nhập phí trong quý III/2021 sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này", các chuyên gia của Yuanta Việt Nam nhận định.

Nhìn chung, thu nhập lãi thuần quý III được dự báo sẽ giảm 2% so với quý trước. Trong khi ở chỉ tiêu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Yuanta Research cho rằng dự phòng quý III của ngành ngân hàng có thể tăng 20% so với quý liền trước, đặc biệt là nhóm nhà băng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu tương đối thấp.

Nhóm phân tích cho rằng chất lượng tài sản bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn và thực hiện giãn cách.

Theo Thông tư 14/2021 của NHNN gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022 thay vì 31/12/2021 sẽ giúp nợ xấu được công bố có thể ở mức thấp. Tuy nhiên, để hạn chế khả năng chất lượng tài sản bị suy giảm trong tương lai, các ngân hàng nên trích lập dự phòng ngay từ bây giờ.