Người đàn ông phải lọc máu liên tục 12 lượt, chạy ECMO 10 ngày vì mắc sốt xuất huyết

Mắc sốt xuất huyết rất nặng, người đàn ông trải qua 47 ngày điều trị tích cực, đến nay đã được xuất viện về nhà.

Thượng tác, bác sĩ Vũ Đình Ân – Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa tích cực điều trị, cứu sống một nam bệnh nhân bị suy đa cơ quan vì sốt xuất huyết.

Theo báo Người Lao Động, bệnh nhân là anh T.Đ.P (37 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM). Người bệnh nhập viện trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan như suy hô hấp, gan, thận, rối loạn đông máu…

Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết trước đó anh P. từng đến bệnh viện tư thăm khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, điều trị ngoại trú theo đơn thuốc. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, huyết áp giảm… nên đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu.

nguoi dan ong phai loc mau lien tuc 12 luot chay ecmo 10 ngay vi sot xuat huyet nang

Người đàn ông được trao giấy ra viện sau 47 ngày điều trị tích cực. Ảnh: Người Lao Động

Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bị suy đa cơ quan, đông đặc máu, nội mạch tổn thương. Sau khi các bác sĩ hội chẩn liên khoa, người bệnh được thở máy, kiểm soát dịch, chống sốc, lọc máu liên tục, thay huyết tương, điều trị gan…

Thế nhưng, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện do rối loạn chức năng đa cơ quan nặng. Vì vậy, các bác sĩ đã hội chẩn liên viện cùng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để đặt ECMO.

Bác sĩ Ân chia sẻ, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ định đặt ECMO rất ít nhưng đây là tình huống không đặt thì tử vong, nếu đặt thì tăng thêm độ nặng vì sốt xuất huyết nặng đã gây rối loạn đông máu. Để xử lý, các bác sĩ vừa tiến hành chạy ECMO, vừa thay máu, lọc máu liên tục cho người bệnh.

Bệnh nhân trải qua 47 ngày điều trị với 10 ngày chạy ECMO, lọc máu liên tục 12 lượt (thông thường chỉ 2-3 lượt), thay huyết tương cấp cứu 14 lượt với tổng thể tích huyết tương thay thế là 56 lít, tương đương 280 đơn vị huyết tương tươi.

Ngoài ra, người bệnh còn được truyền thêm hồng cầu lắng, tủa lạnh, số lượng lớn tiểu cầu (20 đơn vị). Trong quá trình điều trị, khó khăn đặt ra là tình trạng diễn biến phức tạp do suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, viêm tụy, nhiễm trùng cơ hội.

Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân 37 tuổi, PGS.TS.BSCKII Trương Đình Cẩm – Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nói đây là ca bệnh đặc biệt, đầy thách thức nhưng các bác sĩ, điều dưỡng cũng như gia đình đều quyết tâm và nỗ lực cứu sống bệnh nhân, dù có những lúc hy vọng khá mong manh.

"Bệnh viện đã huy động tất cả sức lực và công nghệ, trang thiết bị hiện đại nhất cùng với nghị lực sống mãnh liệt, bệnh nhân đã dần hồi phục chức năng gan thận, hô hấp. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định về mặt lâm sàng và cải thiện về các xét nghiệm, được ra viện và tiếp tục theo dõi, quản lý điều trị tại nhà", báo Pháp Luật Việt Nam dẫn lời bác sĩ Cẩm.

Đinh Kim (T/h)