Nhầm ổ áp xe nhiễm trùng thành bệnh quai bị, bệnh nhân 56 tuổi suýt bước vào “cửa tử”

Bệnh nhân tưởng mắc bệnh quai bị khi thấy sưng tấy vùng hàm mặt, đến viện thăm khám khi triệu chứng đã nặng.

Theo Infonet, bệnh nhân V.V.P (56 tuổi, trú tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng khó thở, sưng, đau nhiều vùng góc hàm bên phải và vùng cổ.

Qua thăm khám, bác sĩ nghi ngờ áp xe vùng cổ nên chỉ định CT-Scan. Kết quả cho thấy áp xe vùng góc hàm bên phải lan xuống cổ, trung thất và khoang màng phổi trái. Bác sĩ nhận định đây là 1 trường hợp nhiễm trùng – nhiễm độc nặng, suy hô hấp do mủ màng phổi trái lượng nhiều, tiên lượng rất nặng, người bệnh có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Lồng ngực tiến hành phẫu thuật cấp cứu làm sạch ổ áp xe, dẫn lưu trung thất và màng phổi. Sau phẫu thuật, người bệnh được điều trị và theo dõi hậu phẫu tại khoa Gây mê hồi sức.

Tình trạng bệnh hân diễn tiến nặng hơn, các bác sĩ đã hội chẩn và chuyển khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (ICU). Bằng sự khẩn trương, tất cả các ekip phẫu thuật, gây mê và hồi sức tích cực kịp thời phối hợp xử lý.

nham o ap xe nhiem trung thanh benh quai bi benh nhan 56 tuoi suyt buoc vao cua tu

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: Infornet

Báo Giao Thông dẫn lời đại diện Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết cơ hội cứu sống bệnh nhân này rất mong manh vì thời điểm chuyển đến ICU, tình trạng tiên lượng rất nặng. Sau gần 2 tuần hồi sức tích cực với nhiều giai đoạn khó khăn xử lý các biến chứng viêm nhiễm, các y bác sĩ đã nỗ lực đưa người bệnh từ “cửa tử” trở về.

Được biết, trước đó, khi thấy sưng tấy vùng hàm mặt, bệnh nhân nghĩ mình mắc bệnh quai bị và tự theo dõi tại nhà, chỉ khi triệu chứng nặng hơn mới đến bệnh viện thăm khám.

Theo các chuyên gia, áp xe trung thất là một thể nhiễm trùng nặng, tuy có những tiến bộ về chản đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh… nhưng đây là bệnh lý có tỷ lệ tử vong còn rất cao.

Người bệnh có thể phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa nếu phát hiện sớm và chẩn đoán, điều trị đúng thì sẽ khỏi bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu để ổ áp xe nhiễm trùng lan rộng, gây vỡ hoặc gây tràn dịch màng phổi thì tỷ lệ tử vong sẽ nâng cao từ 19-47%. Biến chứng này rất dễ gây tử vong nếu không được cấp cứu nhanh chóng.

Nguyên nhân tử vong là do biến chứng sốc nhiễm khuẩn. Ổ mủ vỡ lan tỏa ở cổ, thành ngực xuống trung thất, khoang màng phổi, hay vỡ vào khoang màng ngoài tim... gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rất khó dẫn lưu và làm sạch hết dịch mủ.

Bệnh lý này có thể phòng tránh được nếu đi khám sớm. Nếu phát hiện dấu hiệu của biến chứng áp xe trung thất, cần chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế lớn để xử trí phẫu thuật, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

Đinh Kim (T/h)