Nhân viên bệnh viện Tuệ Tĩnh yêu cầu trả lương: Bộ Y tế yêu cầu giải quyết dứt điểm

Bộ trưởng bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện, lãnh đạo bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ giải quyết dứt điểm việc nợ lương.

Theo đó, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu lãnh đạo học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo bệnh viện Tuệ Tĩnh phải phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế để giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.

nhan vien y te bv tue tinh cang bang ron yeu cau tra luong bo y te chi dao khan

Nhân viên y tế bệnh viện Tuệ Tĩnh căng băng rôn yêu cầu trả lương. (Ảnh: NLĐ)

Trước đó, theo Người lao động, chiều 12/1, hàng chục nhân viên y tế bệnh viện Tuệ Tĩnh đã căng băng rôn yêu cầu trả lương.

8 tháng qua, nhân viên y tế tại bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ 50% số lương cơ bản. Thậm chí, tháng 12/2021, 50% số lương được xem là cố định sẽ trả hàng tháng vẫn chưa được nhận.

Với số tiền lương ít ỏi họ nhận hàng tháng, không thể đủ cho cuộc sống mưu sinh. Mặc dù lãnh đạo Học viện đã làm việc với bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y bác sĩ tại bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía bệnh viện chưa nhận được một động thái nào từ các lãnh đạo. Thậm chí, tiền lương tháng 12 vẫn còn nợ 100%.

Theo nhiều nhân viên y tế, số tiền lương ít ỏi họ nhận hàng tháng không thể đủ cho họ trang trải cuộc sống, nhiều người đã phải bán hàng, bán rau quả sau giờ làm việc để có thêm thu nhập.

Theo VTC News, thông tin với báo chí trước đó, lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, từ tháng 1/2019, bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh sang hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định. Theo đó, vấn đề tiền lương và quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện sẽ thực hiện theo pháp luật hiện hành và luật viên chức.

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bệnh viện Tuệ tĩnh phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ chống dịch như giãn cách, hạn chế tiếp nhận bệnh nhân hay giảm số bệnh nhân nên thời điểm đó bệnh viện hầu như không có bệnh nhân.

Từ đó, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện trong quý I năm 2021 cũng chỉ đạt 15%, quý II đạt 51,19% và quý III đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.