Những điều cần biết sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em

Sau khi tiêm nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, trẻ được tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh cần đi khám ngay.

Ngày 6/11, Vietnamnet đưa tin, từ tháng 11/2021, Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên toàn quốc. Loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em nhóm tuổi này là vắc-xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech, Hoa Kỳ sản xuất.

Đây là loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo an toàn để tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi. Hiện nay, nhiều nước trên Thế giới cũng sử dụng vắc-xin này tiêm chủng cho trẻ em từ 12–17 tuổi như Hoa Kỳ, Canada, EU, Nhật Bản...

Vắc-xin Pfizer tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi với liều lượng, đường tiêm, khoảng cách tiêm giống như với người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). Mỗi mũi tiêm 0,3ml, tiêm bắp.

Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm:

Phụ huynh phải giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc-xin Covid-19, cho trẻ ăn đầy đủ, không để trẻ bị đói khi đi tiêm. Đồng thời, cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm. Nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vắc-xin Covid-19, hãy ký xác nhận Phiếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng.

Trước khi đưa trẻ đến điểm tiêm, phụ huynh khai báo y tế theo quy định và bố trí đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.

Nếu cha mẹ đi cùng trẻ đến điểm tiêm vắc-xin, hãy động viên và cùng với trẻ thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.

Sau khi tiêm, phụ huynh động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm. Sau khi trẻ rời khỏi điểm tiêm, gia đình hãy chú trọng theo dõi các dấu hiệu sau đây:

Tự theo dõi sức khỏe sau khi tiêm phòng Covid-19. Thời gian tự theo dõi là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Khi thấy một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh hãy liên hệ ngay với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp).

1) Ở miệng: thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi.

2) Ở da: thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

3) Ở họng: có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

4) Về thần kinh: có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

5) Về tim mạch: có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

6) Đường tiêu hóa: có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

7) Đường hô hấp: có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân:

a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường.

b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.

c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Không nên để trẻ uống rượu, bia và các chất kích thích, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc-xin. Đồng thời, gia đình bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, trẻ được tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh cần đi khám ngay. Đặc biệt, trẻ không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Gia đình thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Trường hợp sốt dưới 38,5 độ C, bỏ bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, trẻ sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu trẻ không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, phụ huynh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Cũng liên quan đến việc tiêm phòng vắc-xin cho trẻ, theo Zing, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã chính thức đưa ra khuyến nghị về việc tiêm vắc-xin Covid-19 Pfizer/BioNTech cho trẻ 5-11 tuổi. Trước đó, ngày 29/10, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp sử dụng vắc-xin Pfizer cho nhóm tuổi này sau khi xác định rằng những lợi ích được ghi nhận vượt xa nguy cơ tác dụng phụ.

Dù vậy, hiện tại, các bậc phụ huynh vẫn có nhiều thắc mắc về vấn đề này như con họ sẽ được dùng loại vắc-xin gì, liều lượng như thế nào, bao lâu thì có tác dụng bảo vệ, tác dụng phụ sau tiêm ra sao...

Lợi ích của vaccine

Theo CNN, hiện nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn về rủi ro và lợi ích của việc cho con họ tiêm vắc-xin Covid-19. Nhiều người vẫn tin rằng trẻ em không gặp bất kỳ nguy hiểm nghiêm trọng nào khi mắc Covid-19.

Tiến sĩ Emanuel "Chip" Walter Jr., Giám đốc y tế của Viện vắc-xin cho người Hà Lan và là giáo sư nhi khoa tại Trường Y Duke ở Durham, Bắc Carolina, cho biết chúng ta đang bị "ru ngủ" bởi suy nghĩ rằng đại dịch chỉ nghiêm trọng với những người trưởng thành mắc bệnh lý đi kèm.

"Chúng ta cần biết rằng với sự gia tăng của biến chủng Delta hiện tại này, số trường hợp trẻ mắc Covid-19 hiện chiếm khoảng 25%. Gần 750 ca tử vong do Covid-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi, trong đó, 160 ca thuộc nhóm tuổi 5-11. Đây là con số tử vong còn nhiều hơn số ca tử vong trung bình do cúm trong một năm", tiến sĩ Walter cho biết.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Walter, có nhiều biến chứng trẻ em có thể gặp phải do Covid-19. Trẻ mắc Covid-19 có thể bị viêm ở nhiều cơ quan trong cơ thể - tim, phổi, thận, đường tiêu hóa, ruột của chúng. "Nó được gọi là hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C). Tình trạng này ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới trẻ. Đã có khoảng 5.000 trường hợp (MIS-C) trở lên với 46 ca tử vong", Walter cho biết.

Sức khỏe - Những điều cần biết sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em

Luis Velasquez, 10 tuổi, được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên tại Trung tâm Mary ở Washington, Mỹ, ngày 3/11. (Ảnh: Reuters).

Vị chuyên gia này cũng cho biết lý do rất quan trọng tại sao chúng ta nên tiêm phòng cho trẻ em là nó "cho phép trẻ thoải mái làm mọi việc như đi học, tham gia các hoạt động thể thao, hoạt động giải trí ở trường...".

Trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, chia sẻ trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 như nhau. "Chúng ta không nên đánh giá thấp tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em. Trẻ em dưới 12 tuổi có thể truyền bệnh cho người khác và làm lây lan virus. Việc chủng ngừa cho nhóm tuổi này sẽ làm giảm sự lây lan của virus", tiến sĩ Fauci nói.

Ngoài ra, theo ông Fauci, dù thấp, tỷ lệ mắc tình trạng hậu Covid-19 vẫn xảy ra ở trẻ em và có thể kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của trẻ.

Khoảng cách giữa 2 liều vắc-xin

Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken Institute (Đại học George Washington, Mỹ), cho biết liều lượng vắc-xin được phép cho nhóm trẻ 5-11 tuổi là 10 mcg, bằng 1/3 liều dùng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên (30 mcg). Tương tự cách tiêm vắc-xin cho người lớn tuổi, trẻ 5-11 tuổi được tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau ít nhất 21 ngày. Trẻ em được coi là đã chủng ngừa đầy đủ sau hai tuần kể từ ngày tiêm liều thứ hai.

Để tránh nhầm lẫn giữa các lọ vắc-xin dành cho trẻ trên 12 tuổi, Pfizer đã thay đổi màu sắc lọ đựng cho nhóm 5-11 tuổi. Theo đó, lọ dành cho trẻ 5-11 tuổi có nắp và nhãn hộp màu cam, trong khi độ tuổi 12-17 tuổi có màu tím.

Trong cuộc họp ngày 2/11 của CDC, cơ quan này khuyến cáo trẻ em nhận được liều lượng thích hợp với lứa tuổi tại thời điểm tiêm chủng. Trẻ 5-11 tuổi sẽ tiêm liều 10 mcg, trong khi trẻ 12-17 tuổi sẽ tiêm liều 30 mcg. Nếu một đứa trẻ sắp bước sang tuổi 12, chúng có thể dùng liều 10 mcg cho mũi đầu và liều 30 mcg cho mũi 2.

Điều quan trọng cần lưu ý là vắc-xin Covid-19 được tiêm không dựa vào trọng lượng. Liều 10 mcg ở nhóm tuổi nhỏ hơn được cho là tối ưu khi nói đến cả hiệu quả và tác dụng phụ thấp. Ở nhóm tuổi lớn hơn, liều lượng 30 mcg là những gì đã được nghiên cứu.

Tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin

Tiến sĩ Leana Wen cho biết trong thử nghiệm lâm sàng với hơn 3.000 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vắc-xin, các phản ứng phụ tương tự ở người lớn, thường gặp nhất là đau nhức tại chỗ tiêm, mệt mỏi và nhức đầu. Một số trẻ có thể bị sốt và ớn lạnh. Tất cả tác dụng phụ này giảm dần trong vài ngày. Trên thực tế, rủi ro của những tác dụng phụ này ở trẻ nhỏ hơn người lớn - có thể là do liều lượng thấp hơn.

"Một số phụ huynh có thể lo lắng về các tác dụng phụ lâu dài. Chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy điều này sẽ xảy ra. Các tác dụng phụ do vắc-xin khác thường xảy ra trong vòng 2-3 tuần đầu tiên sau khi tiêm, không phải vài tháng sau đó", tiến sĩ Wen chia sẻ.

Theo tạp chí Science News, dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn 2/3 mà Pfizer đệ trình vào tháng 9 cho thấy vắc-xin được tiêm 2 liều, mỗi liều 10 mcg, đã tạo ra phản ứng kháng thể "mạnh mẽ" ở trẻ dưới 12 tuổi. Trong tài liệu được đăng vào tuần trước, Pfizer cho biết vắc-xin của họ an toàn và hiệu quả 90,7% trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19 có triệu chứng ở trẻ em 5-11 tuổi.

Với liều 10 mcg, các nhà nghiên cứu thấy trẻ ít gặp vấn đề về ớn lạnh và sốt hơn so với những gì xảy ra ở nhóm tuổi 16-25 tuổi.

Tiến sĩ Bob Frenck, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Vắc-xin tại Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, cho biết sau khi thử nghiệm với liều lượng thấp hơn, chúng tôi nhận được phản ứng miễn dịch tốt tương đương liều 30 mcg và ít tác dụng phụ hơn.

Liều thấp hơn cũng sẽ làm giảm nguy cơ viêm cơ tim, tình trạng từng gặp ở một số ít trường hợp sau khi tiêm vắc-xin Pfizer và Moderna. Thử nghiệm cũng không phát hiện trường hợp viêm cơ tim nào được thấy ở trẻ độ tuổi nhỏ hơn.

Trong thử nghiệm lâm sàng bắt đầu vào tháng 3 với trẻ 5-11 tuổi, tiến sĩ Walter cho biết kết quả xác định 1/3 liều người lớn, tương đương 10 mcg, tạo ra miễn dịch thích hợp.

"Các cha mẹ được cấp một cuốn nhật ký để ghi chép các triệu chứng hàng ngày trong một tuần sau khi trẻ được tiêm vắc-xin. Thông thường, các triệu chứng khá nhẹ trong hầu hết trường hợp và chúng biến mất trong vòng 1-2 ngày", tiến sĩ Walter nói.

Vị chuyên gia này khuyến cáo trẻ cũng có thể bị mệt mỏi, sốt, đau nhức sau khi tiêm phòng. Vì vậy, cha mẹ có thể chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, giảm đau ibuprofen cho trẻ.

Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi nguy cơ viêm cơ tim, viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, viêm quanh tim, thỉnh thoảng xuất hiện ở những người trẻ tuổi được chủng ngừa. Tiến sĩ Walter nhấn mạnh họ đã theo dõi, đánh giá cẩn thận mọi triệu chứng có thể xảy ra và không phát hiện trường hợp nào bị viêm cơ tim trong thử nghiệm dành cho trẻ em.

Quốc Tiệp (t/h) - Người Đưa Tin