Những thói quen tưởng chừng như tốt nhưng lại vô tình gây hại sức khỏe khi tập thể dục

Những bài tập thể dục rất tốt cho sức khỏe như giảm căng thẳng, đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa…Tuy nhiên tập luyện như thế nào để thật sự cải thiện sức khỏe là vô cùng quan trọng. Dưới đây là thói quen tập thể dục sai lầm nhiều người "vô tình" mắc phải.

Tập luyện quá lâu, quá nặng


Khi tập thể dục trong một thời gian kéo dài liên tục, đặc biệt là với những bài tập nặng, cơ thể sẽ sản sinh quá mức các hormone như adrenalin và cortisol, làm tổn hại các mô, dẫn đễn stress.

Không chỉ thế, việc tập quá lâu cũng khiến lượng đường có sẵn trong máu nhanh chóng bị tiêu hao, dẫn đến kiệt sức, làm cho các cơ, xương, dây chằng… bị đau nhức. Vì thế, khi đã cảm thấy đuối sức, tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn với những động tác nhẹ nhàng.

Tập trong môi trường ô nhiễm, độc hại

Khi tập thể dục là lúc cơ quan hô hấp làm việc tăng cường hơn, nếu như tập trong môi trường bụi bẩn, ô nhiễm, có mùi hôi bốc lên thì rất hại cho sức khỏe. Cần tránh tập luyện tại các nơi ô nhiễm không khí cao như: ven các tuyến đường giao thông trong thời gian cao điểm nhiều khói bụi và tiếng ồn (từ 8h - 19h). Các khu sản xuất công nghiệp ô nhiễm không khí còn có tác động xấu đến phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người đang mang bệnh... Thời gian tập luyện ngoài trời tốt nhất là trước 7h và sau 20h. Đây là thời điểm nồng độ chất ô nhiễm xuống thấp nhất và nhiệt độ môi trường giảm.

Không khởi động trước khi tập và giãn cơ sau khi tập

Nếu bạn không thực hiện những việc làm này thì sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng rất lớn. Lúc này, bạn sẽ gặp phải tình trạng các cơ tham gia vận động và bị ngừng lại đột ngột, từ đó làm lượng oxy và máu không được lưu thông kịp thời. Điều này có thể khiến các dây cơ trong cơ thể không được vận hành đúng cách, dễ gây rối loạn và chấn thương trong quá trình tập.

Vậy nên, hãy dành khoảng 5 - 10 phút trước khi tập để khởi động cho cơ thể nóng lên. Và trước khi kết thúc việc tập luyện, bạn nên bỏ ra tiếp khoảng 5 - 10 phút vận động nhẹ nhàng để giúp nhịp tim ổn định trở lại.

Ăn quá nhiều, quá no trước khi tập

Trước khi tập thể dục mà ăn quá nhiều sẽ khiến dạ dày căng gây trở ngại cho quá trình tập. Hơn nữa, trong lúc tập, máu lại phải chảy về các cơ quan để hỗ trợ cho các bài tập thể lực. Từ đó dạ dày không đủ máu hoạt động nên phải làm việc cật lực hơn để tiêu hóa thức ăn. Do đó, nếu ăn quá no trước khi tập không chỉ làm giảm chất lượng tập mà còn rất hại dạ dày. Cũng không nên nhịn đói hoàn toàn, tốt nhất là nên ăn nhẹ trước khi tập 30 phút để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động tốt hơn.

Tập thể dục trước khi ăn bữa sáng

Việc tập thể dục buổi sáng với một cái bụng rỗng có thể khiến bạn rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu và thậm chí là đột quỵ vì sau một đêm dài, lượng đường trong máu và mức độ hydrat carbon trong cơ thể bị hạ thấp.

Vì vậy, hãy “bù đắp” bằng một bữa ăn sáng nhẹ giàu chất xơ và canxi để có thể nạp đủ lượng calo cho các hoạt động tiếp theo. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá no và tập luyện ngay sau khi ăn bởi như vậy có thể khiến bạn bị viêm dạ dày.

Thay đổi các bài tập liên tục

Thay đổi các bài tập liên tục cũng là một cách để làm mới và tạo hứng thú trong tập luyện. Song, việc thay đổi quá nhiều bài tập trong thời gian ngắn khiến cơ thể chưa kịp thích nghi được những kích thích trong các bài tập thể chất. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nếu bạn đã tiến hành tập thể chất, bạn phải gắn bó với bài tập đó ít nhất 8 tuần để nó mang lại kết quả.

Chăm chỉ tập thể dục nhưng không nên “đứng núi này trông núi kia”, hãy kiên trì với với một bài tập nào đó trong một khoảng thời gian nhất định để đem lại kết quả cho cơ thể. Để mang lại hiệu quả cao nhất khi luyện tập, bạn không nên thay đổi bài tập trước 8 tuần.