Những trường hợp bị từ chối cấp sổ đỏ và cách xử lý người dân cần biết

Không phải trường hợp nào việc nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cũng tiếp nhận và giải quyết. Bài viết dưới đây đề cập đến trường hợp từ chối cấp sổ đỏ và cách xử lý.

Những trường hợp bị từ chối cấp sổ đỏ

Căn cứ khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) được thực hiện khi có một trong các căn cứ dưới đây.

Thứ nhất, không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.

Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:

Cách 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Nếu không nộp tại UBND cấp xã thì:

- Trường hợp địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

- Trường hợp địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Thứ hai, hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ với các loại giấy tờ sau:

- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu số 04a/ĐK.

- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Ngoài 2 loại giấy tờ trên thì tùy thuộc vào nhu cầu đăng ký quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh theo từng trường hợp, cụ thể:

- Trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

- Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đó (thông thường tài sản cần đăng ký là nhà ở).

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).

Lưu ý: Theo khoản 9 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, người nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được lựa chọn nộp bản sao hoặc bản chính giấy tờ, cụ thể:

- Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

- Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao.

- Nộp bản chính giấy tờ.

Thứ ba, nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo.

Thứ năm, khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án.

Khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Thứ sáu, người sử dụng đất không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Theo Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP điều kiện cấp Giấy chứng nhận gồm: Đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất, đất không có giấy tờ (đất do khai hoang, đất lấn, chiếm, được giao không đúng thẩm quyền).

Cách xử lý khi bị từ chối cấp sổ đỏ

Trường hợp có căn cứ từ chối hồ sơ theo quy định trên thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải có văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối và hướng dẫn người nộp hồ sơ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, gửi văn bản kèm theo hồ sơ cho người nộp hoặc chuyển văn bản và hồ sơ đến bộ phận một cửa, UBND xã, phường, thị trấn để trả lại cho người nộp.

Như vậy, nếu người nộp hồ sơ không thực hiện đúng thì khi nhận được văn bản từ chối hồ sơ phải thực hiện theo đúng quy định. Tùy vào trường hợp cụ thể mà người nộp hồ sơ có cách xử lý khác nhau (nên xem hướng dẫn, phương án xử lý trong văn bản từ chối hồ sơ để thực hiện).

Trường hợp, khi cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ không có văn bản từ chối hồ sơ hoặc lý do từ chối không đúng quy định (từ chối hồ sơ nhưng không thuộc những trường hợp được nêu trên) thì người dân có nhiều cách xử lý khác nhau tùy vào tính chất, mức độ và sự lựa chọn của người dân.

Cụ thể, người dân có thể thục hiện theo 3 cách sau: Kiến nghị cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ xem xét lại; Khiếu nại; Khởi kiện hành chính. Trong đó, khiếu nại và khởi kiện hành chính là cách phổ biến.

H.M - Theo Người Đưa Tin Pháp Luật