"Nỗi đau" mang tên cổ phần hoá của Cienco1

Từ sau khi cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Cienco1 ngày càng lao dốc dù vẫn thực hiện các dự án giao thông lớn, dàn cựu lãnh đạo vướng vòng lao lý.

Ngày 2/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Dũng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1); Cấn Hồng Lai - nguyên Tổng Giám đốc và Lê Văn Long - nguyên Kế toán Trưởng về tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, trong quá trình cổ phần hoá Cienco1 - Hội đồng thành viên Cienco1 đã có hành vi bỏ ngoài giá trị doanh nghiệp một số tài sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nỗi đau' mang tên cổ phần hoá của Cienco1

Các đối tượng Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai, Lê Văn Long (từ trái qua phải). (Ảnh: Bộ Công an)

Tại đại hội cổ đông Cienco1 lần thứ nhất, ông Phạm Dũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cienco1; ông Cấn Hồng Lai giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT.

Ngay sau khi IPO, tại đại hội cổ đông năm 2015, Chủ tịch Phạm Dũng bị miễn nhiệm thay thế là ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng giám đốc Cấn Hồng Lai giữ chức Phó Chủ tịch.

Sang năm 2016, dàn lãnh đạo cấp cao của Cienco 1 lại có biến động khi ông Cấn Hồng Lai giữ chức Chủ tịch và ông Đinh Văn Thanh giữ chức Tổng Giám đốc.

Hiện nay, ông Đinh Ngọc Vượng giữ chức Chủ tịch, còn ghế Tổng giám đốc thuộc về ông Đào Việt Tiến.

Mới đây nhất, vào ngày 17/5, Cienco1 đã quyết định tạm bãi nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ từ 2019 – 2024 đối với ông Nguyễn Ngọc Hoà. Cùng với đó, HĐQT đã quyết định bổ nhiệm tạm thời ông Trần Văn Trải giữ chức vụ thành viên HĐQT thay thế ông Nguyễn Ngọc Hoà từ ngày 14/5/2021.

Điều đặc biệt về nhóm cổ đông lớn Cienco1

Về quá trình sở hữu cổ phần tại Cienco1 của các cổ đông lớn liên tục có sự thay đổi: Từ Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty CP Máy xây dựng Hassyu, Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon, Công ty CP Hạ tầng Fecon, đến Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)... Duy chỉ có Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - cổ đông chiến lược - thể hiện sự gắn bó lâu dài.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Cienco 1, tính đến 31/12/2020, Cienco1 có 4 cổ đông lớn là: CTCP An Hiền (24,5%); CTCP Đầu tư Cái Mép (16,8%); CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An (19,1%); Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (28,5%). Riêng 4 cổ đông này đã sở hữu đến 89% cổ phần Cienco1.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nỗi đau' mang tên cổ phần hoá của Cienco1 (Hình 2).

4 cổ đông chính của Cienco1. (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020)

Điều đáng nói, cả 4 công ty trên đều có mối liên hệ với cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc” - xuất thân từ huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh được thành lập năm 2005, một thời gian dài do bà Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) - Chủ tịch HĐQT - làm đại diện theo pháp luật. Bà Hoan cũng là cổ đông lớn nhất tham gia nắm giữ số vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng của Yên Khánh, với tỷ lệ 69,5%, bên cạnh hai cổ đông: Đinh Thị Hiên (30%) và Đinh Ngọc Liên (0,5%). Bà Hoan là cháu ruột của Út “trọc”.

CTCP An Hiền thành lập năm 2006, do ông Đoàn Minh Toàn - Tổng giám đốc - làm đại diện. Ông Toàn (sinh năm 1982) là chồng bà Vũ Thị Hoa (sinh năm 1984) - chị gái của bà Vũ Thị Hoan.

Công ty CP Đầu tư Cái Mép thành lập năm 2006, từng có giai đoạn do bà Vũ Thị Hoa - chị gái bà Vũ Thị Hoan và là vợ ông Đoàn Minh Toàn - là người đại diện theo pháp luật.

Còn Công ty CP Thương mại Nước giải khát Khánh An tuy đăng ký trụ sở tại Quận 1, TP. HCM nhưng cũng được thành lập bởi 2/3 cổ đông sáng lập là người xã Khánh An - huyện Yên Khánh - Ninh Bình, là: ông Đinh Ngọc Hùng (20%) và bà Lê Thị Hoa (15%).

Cuối tháng 11/2018, bà chủ của Yên Khánh là Vũ Thị Hoan đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh việc 4 công ty trên đầu tư vào Cienco1, nhóm này còn cùng Cienco1 liên doanh thực hiện các dự án giao thông lớn.

Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới (hay còn gọi là cầu Hạc Trì) có tổng vốn đầu tư hơn 1.828 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, Liên danh Cienco 1 - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P đã lập ra Công ty CP BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các thành viên Liên danh nhà đầu tư lần lượt là Cienco 1 20% (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn Bộ Q.P 40% (106 tỷ đồng).

Cienco 1 cũng bắt tay với Yên Khánh để đầu tư xây dựng Dự án BOT cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cienco 1 cũng góp mặt tại Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cùng với Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Đây là một dự án BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 6.731 tỷ đồng.

Vào tháng 9/2017, Cienco1 cũng đã liên danh với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng Gói thầu số 15 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu Tình Húc vượt sông Lô, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang với giá trúng thầu gần 699 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng).

Vào tháng 1/2018, với tư cách là nhà thầu đứng đầu liên danh, Cienco1 đã được công bố trúng Gói thầu số 6 Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và toàn bộ phần thi công xây dựng (gói thầu EC) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành (cầu vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du - Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với giá trúng thầu 1.348 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng).

"Đại gia" giao thông lừng lẫy một thời lao dốc

Về tình hình kinh doanh, từ sau cổ phần hóa, Cienco 1 ngày càng sụt giảm về doanh thu, trong khi lợi nhuận biến động thất thường.

Nếu như doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2013 lần lượt đạt 5.980 tỷ đồng và 45 tỷ đồng, thì sang năm 2014 - thời điểm cổ phần hóa, doanh thu giảm nhẹ 2,6% xuống còn 5.822 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 101 tỷ đồng, tăng 121%. Các năm tiếp theo, doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm mạnh. Đặc biệt, năm 2018, Cienco1 ghi nhận doanh thu thấp nhất 3 tỷ đồng từ khi cổ phần hóa.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nỗi đau' mang tên cổ phần hoá của Cienco1 (Hình 3).

Đến năm 2020, Cienco1 chỉ còn ghi nhận doanh thu 327 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so năm 2019. Tuy nhiên nhờ doanh thu tài chính và lãi liên doanh liên kết tăng mà lợi nhuận sau thuế của Cienco1 đạt hơn 17 tỷ đồng, tăng 31% so năm 2019.

Tính đến 31/12/2020, Cienco1 có tổng tài sản 3.312 tỷ đồng, tăng thêm 164 tỷ đồng so đầu kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao với 1.972 tỷ đồng. Vay nợ tài chính không đáng kể khi chỉ vay ngắn hạn gần 294 tỷ đồng.

Tại báo cáo kiểm toán năm 2020 của Cienco 1, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, kiểm toán không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán cần thiết đối với báo cáo tài chính năm 2020 của các công ty liên kết của Cienco 1.

Ngoài ra, Cienco1 cũng có những vấn đề như khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 258 tỷ đồng sẽ được chuyển đổi mục đích đầu tư; hay Cienco1 chưa thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM theo quy định dù đã IPO từ năm 2014.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nỗi đau' mang tên cổ phần hoá của Cienco1 (Hình 4).

Danh sách công ty con và công ty liên kết của Cienco1. (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020).

Hiện, Cienco1 có 1 công ty con là CTCP Xây dựng 121 (nắm 51% vốn), còn lại là 10 công ty liên doanh, trong đó CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình dù sở hữu 57% nhưng Cienco1 không nắm quyền kiểm soát.

Dương Thị Thu Nga - Người Đưa Tin Pháp Luật