Nữ nhân viên ngân hàng mù mắt 2 lần vì tiêm filler nâng mũi

Chỉ ba phút sau khi tiêm chất filler vào mũi, nữ nhân viên ngân hàng cảm thấy đau buốt tận trong óc, choáng váng như muốn ngất đi, mắt phải chỉ thấy một màu tối đen như mực.

Sáng 1/10, PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết. mới đây, bệnh viện vừa phối hợp cấp cứu thành công một ca bệnh hy hữu, chưa từng gặp tại Việt Nam và y văn thế giới cũng mới chỉ gặp 2-3 trường hợp. 

Bệnh nhân là nữ, 27 tuổi, làm nhân viên ngân hàng tại Thái Nguyên, bị tai biến nghiêm trọng do tiêm filler nâng mũi tại spa tư nhân. Cô gái này được người nhà cùng nhân viên tại spa đưa đến cấp cứu tối 16/9 trong tình trạng mắt phải gần như đã mất hoàn toàn thị lực.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, sau khi nghe thông tin một spa có chương trình khuyến mãi giảm giá nên chị cùng bạn bè rủ đến tiêm filler để nâng mũi. Nhân viên của spa thực hiện tiêm filler cho khách hàng ngay tại cơ sở. Hai người bạn của bệnh nhân tiêm đầu tiên không gặp vấn đề gì. Đến lượt bệnh nhân, khi đang tiêm bỗng thấy đau buốt dọc sống mũi, lan vào tận óc, cảm thấy choáng váng muốn ngất xỉu, mắt phải tối đen.

Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh cấp cứu với chẩn đoán mù mắt không thể can thiệp và tiếp tục chuyển tuyến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức vào nửa đêm. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tai biến do tiêm filler, tắc mạch gây mù, thiếu máu cấp tính vùng trán mũi và ổ mắt.

Theo PGS Hà, thời điểm đến viện, bệnh nhân trong tình trạng hoảng loạn, buồn nôn, da vùng mũi và trán bầm tím, lạnh, mắt phải sụp mi, phù nề, rối loạn cơ vận động nhãn cầu, thị lực không còn cảm nhận được ánh sáng. Bệnh nhân được chẩn đoán tai biến do tiêm filler gây tắc mạch, phù mắt, mù mắt, thiếu máu cấp tính vùng trán, mũi và ổ mắt. Ngay lập tức, các bác sĩ đã khởi động quy trình cấp cứu tối khẩn cấp, liên hệ với các chuyên khoa liên quan để hội chẩn và điều trị.

Bệnh nhân vẫn đang được theo dõi tại BV Việt Đức.

Bệnh nhân được đặt trong tình trạng hồi sức tích cực: Sử dụng thuốc chống viêm giảm đau liều cao, các loại thuốc giảm áp lực cho não và ổ mắt, thở ôxy liều cao liên tục, tiêm thuốc giải trực tiếp vào vùng tiêm filler và vùng da sắp hoại tử... Cùng đó chuyên gia chẩn đoán hình ảnh chuẩn bị đầy đủ phương tiện máy móc can thiệp.

Sau hơn 2 tiếng nỗ lực can thiệp tích cực, thị lực của bệnh nhân có cải thiện hơn, đã nhìn đếm được ngón tay ở khoảng cách 60-70 cm, tuy nhiên, 12 giờ sau, bệnh nhân lại xuất hiện mất thị lực toàn bộ.

Theo PGS Hà, đây là trường hợp hiếm gặp trên thế giới, cả ê-kíp của Bệnh viện Việt Đức lại tiếp tục can thiệp lần thứ hai. Lần này, bác sĩ phải sử dụng cả thuốc giải filler phối hợp với các thuốc pha loãng máu liều cao để tái lập lại tuần hòa cho võng mạc người bệnh. May mắn sau hơn 2 tiếng điều trị tích cực, thị lực bệnh nhân đã được cải thiện gần như thời điểm sau lần can thiệp đầu tiên.

Hiện tại, 14 ngày sau tai biến, bệnh nhân ổn định, các cơn đau đầu, buốt mắt đã giảm, vùng da mắt và mũi phục hồi gần như bình thường không còn dấu hiệu hoại tử. Mắt phải bệnh nhân đã có thể nhìn phân biệt được các đồ vật ở khoảng cách 50-60 cm.

Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện thông tắc mạch máu mắt tới 2 lần để phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Trước đó, các trường hợp mù mắt do tiêm filler đều không thể phục hồi.

"Bệnh nhân có thể giữ lại một phần thị lực, không bị mù vĩnh viễn, là kết quả hơn cả mong đợi", Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh, Khoa Chấn thương mắt, Bệnh viện Mắt trung ương, cho biết.

Theo bác sĩ Hà, tai biến xảy ra khi người tiêm filler không được đào tạo chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ nên nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt cao. Chất làm đầy theo mạch máu đi vào não, có thể gây tắc mạch não dẫn đến đột quỵ hoặc tắc động mạch mắt gây mù và hoại tử biến dạng khuôn mặt. Thời gian vàng để cấp cứu cho bệnh nhân chỉ từ 60-90 phút.

Số ca biến chứng rất nặng như mù mắt sau tiêm filler tại Việt Nam chưa được thống kê chính xác. Trên thế giới, tỷ lệ biến chứng mù mắt dao động từ 3-9 ca trong 10.000 ca tiêm vào năm 2018. Đến nay, số phục hồi một phần thị lực sau biến chứng chỉ dưới 10 ca, số ca tắc mạch phải thông tắc đến hai lần mà vẫn hồi phục một phần thị lực chỉ có khoảng 2-3 ca.