PGS.TS Vũ Duy Hải chia sẻ về “vũ khí” giúp Việt Nam chủ động trong cuộc chiến Covid-19

Chiếc máy thở oxy dòng cao do nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Bách khoa Hà Nội và doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị y tế vừa sản xuất thành công đã giúp Việt Nam có “vũ khí” đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Bách khoa Hà Nội và doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị y tế đã có thành quả bước đầu sau hơn một tháng vừa nghiên cứu, vừa sản xuất để phục vụ nhu cầu ngay trong nước về điều trị bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu. Thành quả sau chuỗi ngày vất vả của nhóm nghiên cứu cũng trở thành động lực để phát triển thêm nhiều nghiên cứu, chế tạo thêm nhiều sản phẩm.

PGS.TS Vũ Duy Hải - Giám đốc trung tâm Điện tử y sinh, trường đại học Bách khoa Hà Nội (thành viên chính nhóm nghiên cứu lần này) đã có những chia sẻ về sản phẩm được xem như “vũ khí” giúp Việt Nam chủ động trong cuộc chiến với Covid-19.

PV: Thưa PGS.TS Vũ Duy Hải, ông có thể chia sẻ về sản phẩm mới nhất mà nhóm nghiên cứu vừa hoàn thành?

PGS.TS Vũ Duy Hải: Chiếc máy thở oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula - BKVM-HF1) đã hỗ trợ các y bác sĩ tuyến đầu điều trị những bệnh nhân ở giai đoạn 3, giảm số lượng bệnh nhân bị biến chứng nặng hơn (giai đoạn 4-5).

Có thể xem chiếc máy này như một giải pháp để điều trị và “sàng lọc” bệnh nhân, bởi nếu không dùng máy thở oxy dòng cao từ giai đoạn 3 thì sẽ chuyển sang giai đoạn 4-5, bắt buộc phải sử dụng các loại máy thở khác, với cách vận hành phức tạp hơn và kèm theo biến chứng. Như vậy, đây cũng là cách giúp các y bác sĩ giảm áp lực trong cuộc chiến này.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công máy thở oxy dòng cao này, vì từ trước đến nay toàn bộ máy đều được nhập khẩu. Tuy nhiên, khi các quóc gia mà chúng ta đặt hàng lại “đóng cửa” không xuất hàng thì sẽ lâm vào tình trạng “có tiền không mua được”.

z2590260749890-facc9be14596e5e6c2cb6ec9d77aab15-1625315687.jpg
PGS.TS Vũ Duy Hải.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta phải làm chủ được công nghệ để đối phó với những diễn biến phức tạp hơn, chẳng hạn, khi số ca mắc Covid-19 cao hơn gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, trong khi vận hành, máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Các bệnh viện từ tuyến tỉnh đều có sẵn hệ thống khí y tế để cung cấp nguồn khí nén và khí oxy, còn đối với các bệnh viện dã chiến, lại chưa được trang bị nguồn khí y tế này để phục vụ quá trình. Vì vậy, nhóm nghiên cứu bổ sung chế tạo thiết bị đi kèm gồm máy nén khí và máy tạo oxy để chuyển đến vùng dã chiến, cung cấp cùng lúc khí y tế cho 10 máy oxy dòng cao.

Phó Tổng Giám đốc VNMED Group cũng đã phát biểu rất tự hào: “Đây là một “vũ khí” rất quan trọng để Việt Nam chủ động trong cuộc chiến chống Covid-19”.

PV: Để nghiên cứu và hoàn thành một sản phẩm, chắc chắn sẽ gặp những áp lực nhất định. Đối với bản thân cũng như nhóm nghiên cứu lần này, những áp lực đó là gì?

PGS.TS Vũ Duy Hải: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu sử dụng máy trong nước ngày một tăng cao. Hơn nữa, việc nhập khẩu máy ở thời điểm hiện tại vô cùng khó khăn, do một số quốc gia có dịch đã “đóng cửa” việc xuất khẩu máy.

z2590970581006-da59d743a019b1699adb6cc53df4c42e-1625315688.jpg
PGS.TS Vũ Duy Hải thực hiện các bước khởi động máy điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Cùng lúc đó, nhóm nhận được chỉ đạo gấp rút từ Chính phủ và bộ Y tế nghiên cứu sản phẩm, để có thể làm chủ công nghệ. Ngay lập tức, các thầy cô khoa Điện tử Viễn thông, viện Cơ khí, viện Hóa học Dược liệu,…cùng doanh nghiệp VMED bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm.

Từ làm việc trên các nền tảng họp trực tuyến, đến làm việc trực tiếp trong phòng thí nghiệm hay xuống xưởng sản xuất, các khâu đều làm việc ngày đêm, không ngừng nghỉ... Ai cũng tự nhủ mình không có nhiều thời gian, nên ngay khi xảy ra lỗi, cả nhóm lại họp ngay lập tức để khắc phục, không để xảy ra độ trễ.

Cuối cùng, sau hai tuần, sản phẩm thử nghiệm đầu tiên cũng được hoàn thiện. Máy được chuyển đến các đơn vị đánh giá tiêu chuẩn cũng như các thông số kỹ thuật và đã được bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành để có thể sản xuất số lượng lớn.

PV: Ông có thể chia sẻ về những dự định trong thời gian sắp tới?

PGS.TS Vũ Duy Hải: Hiện tại, đã có khoảng 30 máy BKVM-HF1 được chuyển đến các “tâm dịch” như TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh... để phục vụ điều trị.

Bên cạnh việc giải tỏa áp lực không đủ máy thở của các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện dã chiến, chức năng của máy thở oxy dòng cao còn có thể điều trị cho những bệnh nhân hô hấp.

z2590970728880-12e3d384688bb1bab3711228070c1fcf-1625315688.jpg
Mô phỏng việc sử dụng máy thở oxy dòng cao để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Hơn nữa, giá sản xuất trong nước chỉ bằng 1/2 so với giá sản phẩm nhập ngoại, nên nhiều người dân hoặc đơn vị nếu muốn tài trợ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới của nhóm là sẽ sản xuất máy đại trà.

Phương pháp này giúp phế nang bệnh nhân không bị dính, xẹp lại, giúp thể tích chứa khí được duy trì, bệnh nhân dần hồi phục. Sau khi được sử dụng máy oxy dòng cao này, sẽ có 60-70% bệnh nhân mắc Covid-19 khôi phục được trạng thái tốt hơn, thậm chí, có những bệnh nhân được xuất viện. Còn lại khoảng 30-40% sẽ trong tình trạng bị xấu đi, khi đó, sẽ được chỉ định sử dụng máy thở điều trị tiếp theo. Và việc sử dụng máy thở sẽ có nhiều khâu đi kèm theo, bệnh nhân phải đặt nội khí quản, sẽ kéo theo nhiều biến chứng.