Phía Đông Hà Nội được ví là "ngọn hải đăng" của thị trường BĐS sau dịch

“Sẽ có một cuộc dịch chuyển đến các trung tâm mới, hình thành nên các thành phố trong lòng thành phố”

Xung lực phát triển thị trường BĐS

Tại tọa đàm Bất động sản: Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng diễn ra chiều 23/9, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, thị trường BĐS vẫn là một trong những điểm sáng.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong ngành BĐS vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ít doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận đáng kể.

Đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định. Linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. Bởi BĐS luôn là “nơi trú ẩn” tài sản đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.

Ông Phòng cho rằng: “Có thể thấy, đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS”.

Bất động sản - Phía Đông Hà Nội được ví là 'ngọn hải đăng' của thị trường BĐS sau dịch

"Đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS” - vị Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Theo số liệu mới cập nhật, mỗi năm Hà Nội và Tp.HCM cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019. Do đó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội phát triển.

Đặc biệt, thị trường BĐS sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố.

Đó là sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh BĐS, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.

Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

“Năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường BĐS do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư”, ông Phòng cho hay.

Bất động sản - Phía Đông Hà Nội được ví là 'ngọn hải đăng' của thị trường BĐS sau dịch (Hình 2).

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, những vướng mắc liên quan về pháp luật đất đai đã và đang được gỡ rối trong luật Đầu tư 2020 cũng như đề án sửa đổi toàn diện Luật đất đai 2013 đang được tiến hành. Đặc biệt, Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ hơn nữa các nhà đầu tư, các nhà phát triển BĐS.

Theo ông Phòng, thị trường BĐS đều đang chứng kiến động lực và quyết tâm triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển BĐS đa dạng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.

“Trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội có thể nói là “đầu tàu” của thị trường bất động sản cả nước. Thị trường BĐS Hà Nội sắp tới hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt và ban hành”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Sức hút từ khu vực phía Đông

Đưa ra ý kiến về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT VietstarLand cho rằng: “Tính thời sự của vấn đề đầu tư khu vực 2 bên bờ sông Hồng được ví như "một nàng công chúa ngủ trong rừng" và đã đến lúc cần phải thức giấc”. Các nhà đầu tư và người dân mong muốn sớm phê duyệt bản Đồ án này”.

Bất động sản - Phía Đông Hà Nội được ví là 'ngọn hải đăng' của thị trường BĐS sau dịch (Hình 3).

Ông Hoàng Đình Khiêm – Chủ tịch HĐQT VietstarLand.

Nói về tiềm năng BĐS, ông Khiêm cho biết, nếu đến ngày 31/12/2021, Việt Nam có thể đạt phủ trên 70% về vắc-xin phòng Covid-19, đây sẽ là lợi thế rất lớn để các tập đoàn lớn trên thế giới hay các doanh nghiệp FDI với những chuỗi cung ứng đến Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sau cuộc dịch chuyển rời khỏi Trung Quốc.

Ông cũng cho rằng, nếu đến cuối năm nay các tỉnh có ngành công nghiệp phụ trợ cao như Bắc Giang có độ phủ vắc-xin thì sẽ đón 22.400 chuyên gia cấp cao từ các Tập đoàn như Foxcom, Apple, LG, Samsung. Và với "bờ Đông" này, những đại đô thị như Vinhome Ocean Park hơn 400ha, Ecopark 500ha đã có gần 1.000ha với đô thị lớn để đón các chuyên gia cao cấp.

Nhận định về BĐS phía Đông, ông Khiêm cho biết, đây sẽ là một điểm sáng. Bởi sau dịch bệnh, nơi những nhà đầu tư tìm đến không chỉ là điểm trú ẩn dòng tiền mà còn là nơi có không gian sống.

“Ngay cả trong đại dịch, giao dịch ở khu vực này vẫn không bị ảnh hưởng. Mức độ hấp thụ hiện nay có thể đạt trung bình 17 - 23 căn cao tầng/ngày, với phân khúc biệt thự bán 2 - 3 căn, trong thời điểm giãn cách”, ông Khiêm cho hay.

Vị chuyên gia BĐS này chia sẻ thêm, đây là cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư sau dịch. Bởi quỹ đất Hà Nội còn rất ít, trong khi đó, các thành phần cấu thành nên giá của BĐS là thuế đất, thép đang tăng nhanh.

Mặt khác, nhu cầu về nhà ở sau dịch cũng đang dần có sự chuyển đổi, người mua nhà không chú ý về nội thành nữa mà họ đang hướng đến BĐS ở vùng ven, đặc biệt gần các con sông, được đầu tư đồng bộ, như một trung tâm đa cực.

“Sẽ có một cuộc dịch chuyển đến các trung tâm mới, hình thành nên các “thành phố trong lòng thành phố”, là ngọn hải đăng của thị trường bất động sản sắp tới” – ông Khiêm khẳng định.

Trước những điều đó, ông Khiêm cho rằng, Thủ đô phải đẩy nhanh quy hoạch bởi khi quy hoạch được mới có thể phát triển mạnh về kiến trúc hạ tầng.

Theo Người Đưa Tin