Phó Thủ tướng: Xử nghiêm việc lợi dụng thông tin để "thổi" giá đất, thu lợi bất chính

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành giám sát, xử lý nghiêm hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá bất động sản (BĐS) nhằm thu lợi bất chính.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành về điều hành giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu bộ Xây dựng tham mưu, cùng các địa phương có hình thức xử nghiêm với các hành vi, đối tượng môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch, chủ trương đầu tư dự án... rồi đẩy giá đất lên cao, thu lợi bất chính.

Ngoài bộ Xây dựng, để "trị" những cơn sốt đất, lãnh đạo Chính phủ giao bộ Tài nguyên & Môi trường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch và xử lý các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Bộ này cũng được giao chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất.

Đánh giá về thị trường BĐS những tháng đầu năm, bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP.HCM (TP. Thủ Đức), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

sot-dat-jpeg-3919-1620657898-1620702170.jpg
Một mảnh đất mặt tiền đường liên xã Tân Lợi - An Khương, huyện Hớn Quản, Bình Phước rao bán trong cơn sốt đất cuối tháng 2. Ảnh: VnExpress

Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50 triệu/m2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30%.

Tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập Thành phố đến nay (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…,  vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2).

Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…

Tuy nhiên, Bộ này cũng cho hay, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít.

“Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua” – Bộ Xây dựng nêu lên chiêu thức giao dịch. Và cho biết đến nay cơn sốt đất đã lắng xuống, hạ nhiệt.

Cùng với đà tăng giá, thị trường BĐS hiện mất cân đối về cơ cấu sản phẩm. Nguồn cung một số phân khúc như nhà ở thương mại giá thấp rất ít, tập trung ở các khu vực xa trung tâm trong khi phân khúc cao cấp lại dồi dào...

Giá căn hộ chung cư tại các địa phương vẫn có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý IV/2020. Trước thực tế này, Phó Thủ tướng đề nghị bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường BĐS, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng giải pháp tăng nguồn cung cho thị trường nhất là khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.