Phục hồi điều tra “đại án” 1.000 tỷ đồng ở Cần Thơ

Mới đây, Công an TP.Cần Thơ đã ký quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 100/QĐ ngày 10/6/2019 của cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Cần Thơ.

Phục hồi điều tra đại án ngàn tỷ

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Cần Thơ cũng phục hồi điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại ngân hàng A. chi nhánh Cần Thơ.

Quyết định phục hồi điều tra này căn cứ trên kết quả định giá lại tài sản thế chấp để xác định giá trị thiệt hại.

Cùng ngày, nguồn tin từ VKSND TP.Cần Thơ cho biết đã có văn bản chuyển TAND cùng cấp về kết quả điều tra bổ sung vụ Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ) cùng các đồng phạm.

Theo đó, VKSND TP.Cần Thơ giữ nguyên quyết định truy tố, chuyển hồ sơ sang tòa án xét xử các bị can: Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu (nguyên Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ), Bùi Tuấn Anh (nguyên Trưởng phòng Tín dụng chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ), Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam), Phạm Tường Thi (nguyên Giám đốc công ty Tân Tiến) và Nguyễn Văn Đạt (nguyên nhân viên công ty Tân Tiến) về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

phuc-hoi-dieu-tra-dai-an-1000-ty-dong-o-can-tho-1617503743.jpg

Đạt Nhân đã dùng miếng đất có siêu thị này để vay số tiền rất lớn

Trước đó vào tháng 8/2018, TAND TP.Cần Thơ quyết định trả hồ sơ để điều tra lại nhằm xác định giá trị lô đất để từ đó xác định giá trị thiệt hại, và định khung đối với tội danh.

Kết quả định giá lại của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc ở trung ương xác định giá trị tài sản là giá đất thị trường tại thời điểm trúng đấu giá đối với lô đất là siêu thị Citimart ở số 12 Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Giá đất trúng đấu giá tại thời điểm tháng 9/2012 chỉ hơn 104 tỷ đồng nhưng Đạt Nhân đã thế chấp cho chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ để vay gần 232 tỷ đồng.

Do đó, VKS xác định các bị can đã câu kết nâng khống giá trị tài sản thế chấp cho chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ. Ngoài ra, tổng giá trị tài sản thế chấp của các bị can bao gồm bất động sản, thiết bị, máy móc... được xác định (tháng 8/2018) chỉ trên 410 tỷ đồng nhưng đến ngày 18/2/2021, dư nợ các khoản vay tại chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 534 tỷ đồng, số còn lại là lãi trong hạn và lãi quá hạn.

Từ những căn cứ trên, VKSND TP.Cần Thơ nhận thấy các nội dung theo quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố của cáo trạng của VKSND TP.Cần Thơ ban hành ngày 9/7/2018.

Thành lập doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng

Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến 2013, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã lập 7 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề khác nhau và chỉ định nhân viên của mình đứng tên các công ty, doanh nghiệp và Nhân là người đứng ra chỉ đạo, thống nhất mọi hoạt động của các công ty này.

Mục đích lập ra nhiều công ty là để vay vốn ngân hàng rồi sử dụng số tiền vay sai mục đích, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản rất lớn cho chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ. Tính đến năm 2015, 7 công ty và cá nhân Đạt Nhân vay sử dụng trên 1.500 tỷ đồng. Nhiều khoản vay sau đó rơi vào nhóm nợ xấu, khó có thể thu hồi do các khoản vay chủ yếu để trả lãi, đảo nợ, đầu tư vào bất động sản, sử dụng cá nhân... Trong số này, Đạt Nhân đã mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ trên 303 tỷ đồng.

VKSND TP.Cần Thơ chỉ ra rằng vì muốn đầu tư vào bất động sản nhưng không có vốn nên Đạt Nhân đã cùng với Hải, Liệu bàn bạc, thống nhất lợi dụng chính sách ưu đã lãi suất 0% trên gói vay của Chính phủ để lập hồ sơ khống, sai đối tượng nhằm vay vốn, trục lợi. Việc giải ngân của chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ sai hoàn toàn về trình tự thủ tục quy định của pháp luật và của ngành ngân hàng.

Cụ thể, chỉ với một tài sản là siêu thị Citimart vừa trúng đấu giá 104 tỷ đồng, chưa có giấy tờ hợp pháp nhưng Nhân đã bàn với Hải và Liệu để giải ngân nhiều lần với số tiền rất lớn.

Để toàn quyền sử dụng số tiền từ ngân hàng và che đậy, làm mất dấu dòng tiền, Nhân đã thuê nhân viên làm giám đốc, lập ra nhiều công ty và chỉ đạo cấp dưới làm tổng thầu cung cấp máy móc, thiết bị. Nhiều máy móc thiết bị, tài sản thế chấp ngân hàng đều được nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần để được vay số tiền rất lớn.

Số tiền vay được từ gói vay hỗ trợ lãi suất 0%, Đạt Nhân đã dùng vào việc gửi tiết kiệm ngược lại cho chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ gần 150 tỷ đồng để lấy lãi gần 1 tỷ đồng, mua một miếng đất trên đường Nguyễn Trãi gần 60 tỷ đồng, chi xài cá nhân trên 21 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi cho các các khoản vay trên 92 tỷ đồng...

Trong gói vay hỗ trợ lãi suất, các cán bộ của chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ đã ký duyệt hỗ trợ lãi suất cho Đạt Nhân 49 lần với số tiền gần 62 tỷ đồng.

Khi bị công an phát hiện ra sai phạm, Đạt Nhân đã chỉ đạo cấp dưới lập ra nhiều chứng từ khống bổ sung, một mặt tiêu hủy tài liệu, vật chứng để đối phó cơ quan điều tra. Lúc bị công an bắt, Nhân còn cười tươi và xé biên bản làm việc.

Về phía chi nhánh ngân hàng A. Cần Thơ, sau khi làm việc với công an đã quyết định chuyển gói vay hỗ trợ lãi suất 0% sai quy định, sai đối tượng sang gói vay thương mại thông thường để khắc phục hậu quả. Đây được xem là "đại án" lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở TP.Cần Thơ.

VKSND TP.Cần Thơ khẳng định hành vi của các bị can trong vụ án này là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại về tài sản đặc biệt lớn cho ngân hàng A., xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước... Chính vì vậy, VKS truy tố các bị can phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, thuộc trường “ hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt tù lên đến 20 năm.

Công Tuấn

Theo Đời sống & Pháp luật