5 sai lầm nên tránh khi làm công việc freelance

Làm công việc freelance đồng nghĩa là bạn sẽ được tự do hơn, nhưng đồng thời cũng phải chủ động, tích cực hơn mới duy trì được thu nhập, cân bằng cuộc sống và phát triển nghề nghiệp của mình. Những freelancer thiếu kinh nghiệm thường mắc phải khá nhiều sai lầm, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ dẫn đến thất bại hoặc bỏ cuộc.

Hãy tránh những lỗi sau đây để dẹp bớt những “chướng ngại vật” ngăn cản bước đường thành công của bạn.

Thiếu kỷ luật bản thân

Đây là sai lầm phổ biến đầu tiên mà người làm công việc freelance thường mắc phải. Một phần, bởi họ có thiên hướng mạnh về sáng tạo và ưa thích tự do. Thông thường, những người này thì tính kỷ luật hơi kém. Nếu không phải tuân thủ các quy định chung của tập thể, họ có xu hướng trở nên dễ dãi với bản thân.  

Freelance cho phép công việc của bạn linh hoạt hơn và bạn có thể làm việc vào khoảng thời gian ưa thích nhưng đừng để điều này trở thành thói quen. Bởi nó có thể khiến bạn không theo kịp deadline và từ đây uy tín của bạn sẽ bị giảm xuống đáng kể. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ không trì hoãn bất cứ công việc nào đã lên kế hoạch trừ trường hợp bất khả kháng.

Nếu cả ngày bạn cứ lơ mơ, cuối cùng không làm gì ra hồn có thể là vì bạn chưa có mục tiêu cụ thể trong ngày hoặc có quá nhiều thứ phải làm, không biết bắt đầu cái nào trước, cái nào sau. Hãy tập trung, tắt hết mạng xã hội, đặt ra mục tiêu cụ thể và cuối cùng, nếu có quá nhiều thứ phải làm, bạn nên sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp.

Tiếp nhận những khách hàng trả lương thấp nhưng mức độ căng thẳng cao

Làm công việc freelance bạn có thể sẽ rất hào hứng khi có ai đó mời bạn làm việc. Nhưng đừng đánh giá thấp bản thân và chấp nhận bất cứ lời đề nghị nào.

Nếu là một người mới, bạn có thể bằng lòng với một khoản lương thấp hơn mức trung bình, để có được cơ hội trau dồi nghề nghiệp và mở rộng mạng lưới quan hệ. Nhưng sự thật là bạn không thể sống mãi với mức lương thấp và nó cũng không phản ánh kinh nghiệm và khả năng ngày càng tăng của bạn.

Khi năng lực và danh sách khách hàng của bạn tăng lên, giá trị của bạn cũng vậy. Hãy từ chối những khách hàng trả giá quá thấp và những người “khó tính” hay đòi hỏi, gây căng thẳng cho bạn.

Mặt khác, hãy xây dựng tiêu chí khách hàng tiềm năng – những người tôn trọng, đối xử bình đẳng với bạn. Bằng cách đó, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và năng lượng để tiếp tục tập trung vào những khách hàng phù hợp và công việc mang về nguồn thu nhập tương xứng.

Không chú trọng xây dựng các mối quan hệ

Là một freelancer không có nghĩa là bạn đóng cửa làm công việc của mình và chỉ trao đổi với khách hàng khi cần thiết hoặc khi bạn muốn tìm việc làm nhanh.

Hãy nhớ rằng, luôn có rất nhiều freelancer khác ngoài kia có cũng khả năng như bạn. Do vậy, đừng quên duy trì sự kết nối, nuôi dưỡng mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng đến lợi ích chung với khách hàng khi làm công việc freelance. Hãy dành nhiều sự quan tâm cho mối quan hệ đó như cho chính công việc của mình, bạn sẽ nhận được những kết quả tương xứng.

Nhận quá nhiều dự án/ đơn hàng

Đây thường là hậu quả của việc chấp nhận mức giá quá thấp. Khi bạn không được trả cao cho mỗi dự án, bạn có xu hướng nhận nhiều đơn hàng/dự án hơn để đảm bảo thu nhập của mình. Nhưng hãy cẩn thận, đó có thể là nguồn áp lực lớn khiến bạn dành hầu hết thời gian để “chạy đua” với công việc cho kịp tiến độ. Hậu quả là chất lượng sản phẩm không cao, dễ mắc lỗi và bạn bị mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Nếu điều này xảy ra thường xuyên, bạn có thể bị kiệt sức, cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, thậm chí có cái nhìn tiêu cực về nghề nghiệp hoặc đánh giá thấp bản thân. 

Do đó, chỉ đảm nhận lượng công việc phù hợp với khả năng để có thêm thời gian và năng lượng cho một cuộc sống cân bằng. Hãy nhớ rằng, tiền bạc không mua được sức khỏe và các giá trị tinh thần khác.

Không chú trọng đầu tư dài hạn

Đừng nghĩ làm công việc freelance chỉ đơn thuần là vì sở thích, vì chán ở nhà hoặc vì bạn không có gì tốt hơn để làm.

Freelancer là một công việc kinh doanh. Việc bạn làm việc hết ngày này qua ngày khác, hoặc/và đêm này qua đêm khác là minh chứng cho điều đó.

Do vậy, để phát triển công việc của mình, bạn cũng cần tìm hiểu về tiếp thị, lập hóa đơn, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, kế toán... Và đừng tư duy theo kiểu “được đến đâu hay đến đó”, vì như vậy công việc của bạn sẽ rất bấp bênh.

Hãy tự hỏi điều gì cần thay đổi trong hoàn cảnh hiện tại để bạn cảm thấy như mình đang tiến lên. Vạch ra những mục tiêu rõ ràng cho bản thân và làm cho chúng càng cụ thể càng tốt. Và cách dễ nhất để đo lường thành công khi làm công việc freelance là sự tăng trưởng về mặt tài chính, nên đừng quên tìm kiếm những khách hàng trả cho bạn nhiều hơn những gì bạn đang được trả.

Kiều Giang

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/5-sai-lam-nen-tranh-khi-lam-cong-viec-freelance-a545262.html