Thời tiết thay đổi, mẹ lưu ý tắm cho con đúng cách để tránh ốm đau, cảm lạnh

Bên cạnh việc giữ ấm cho trẻ trong lúc ngủ, các bậc phụ huynh nên chú ý đến việc tắm cho trẻ vào lúc giao mùa, làm sao để tắm cho trẻ an toàn.

1. Không nên tắm quá thường xuyên

Việc trẻ tắm rửa thường xuyên vào mùa thu sẽ phá hủy chất nhờn trên da bé và tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da. Ảnh minh họa

Khi thời tiết sang thu, mẹ không nên tắm thường xuyên cho trẻ. Bởi với thời tiết hanh khô của mùa thu, việc tắm rửa thường xuyên sẽ phá hủy chất nhờn trên da bé và tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da. 

Mùa thu nhiệt độ thích hợp, trời khá mát mẻ nên bé sẽ không ra mồ hôi trộm thường xuyên, chỉ cần tắm cách ngày cho bé là được. Những hôm không tắm mẹ có thể lau người cho bé bằng nước ấm và rửa sạch những "bộ phận nhạy cảm" của bé.

2. Thời gian tắm thích hợp

Khi giao mùa, nhiệt độ sẽ có sự chênh lệch trong ngày, hoặc giữa các ngày với nhau. Theo đó, bố mẹ có thể chọn tắm cho bé vào một trong hai khoảng thời gian từ 9h30– 10h30 buổi sáng, hoặc buổi chiều từ 13h - 16h. 

Đối với trẻ lớn hơn thì buổi sáng bố mẹ thường bận bịu và các bé chuẩn bị đi học hành nên thường tắm buổi chiều sau khi đi học về nhưng cũng không muộn sau 18h. Bố mẹ tuyệt đối không nên tắm cho trẻ vào buổi trưa khoảng 11h – 13h, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì có thể làm trẻ dễ bị cảm lạnh, ốm sốt… 

Đồng thời chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2 – 3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).

3. Nhiệt độ nước không được quá cao

Nhiệt độ nước tắm quá cao sẽ làm tăng chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài phòng tắm, khiến bé dễ bị cảm lạnh, ốm vặt. Ảnh minh họa

Người lớn thích tắm nước nóng, và nghĩ rằng nước nóng cũng sẽ tốt cho trẻ. Thực tế da của trẻ sơ sinh mỏng manh và kém chịu đựng hơn người lớn. Nhiệt độ nước quá cao có thể gây kích ứng da. Hơn nữa, nhiệt độ nước tắm quá cao sẽ làm tăng chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài phòng tắm, khiến bé dễ bị cảm lạnh, ốm vặt.

Những trường hợp không nên tắm cho trẻ:

- Không nên tắm cho trẻ khi trẻ vừa ăn no xong, việc tắm ngay sau khi ăn no dễ dàng khiến bé bị trào ngược dạ dày, gội đầu ngay khi đó cũng dễ gây ra hiện tượng thiếu dưỡng khí trên não, có ảnh hưởng không tốt với sức khỏe của trẻ.

- Không nên tắm cho trẻ khi trẻ cảm lạnh, hâm hâm sốt, khi đó lỗ chân lông của trẻ giãn rộng ra, không khí lạnh dễ dàng thâm nhập khiến có thể khiến cho bệnh tình của con ngày một nặng thêm.

- Khi tâm trạng trẻ không tốt cũng không nên tắm. Với những trẻ lớn hơn một chút, khi cha mẹ thấy trẻ đang không được vui, tốt nhất bạn nên an ủi, hỏi han chúng trước, đợi cho chúng ổn định lại tâm lý rồi hãy đưa trẻ đi tắm.

- Không nên tăm cho trẻ trước giờ ngủ của trẻ vào ban đêm, điều này dễ khiến cho bộ não hưng phấn, không dễ dàng chìm vào giấc ngủ, không phù hợp với bộ não đang phát triển của trẻ. Mặt khác, nếu gội đầu cho bé, trẻ dễ bị lạnh đầu, dẫn đến đau đầu, cảm lạnh.

- Không tắm khi trẻ vừa tỉnh ngủ bởi khi trẻ ngủ dậy, thân thể trẻ lúc này khá yếu, ngay lập tức đi tắm sẽ làm trẻ giảm thân nhiệt, trẻ không thích ứng kịp dễ bị ốm, không tốt cho sức khỏe của trẻ. 

- Không nên tắm ngay sau khi vận động, cha mẹ nên chờ nửa tiếng sau khi trẻ vận động, khi trẻ hết mệt và khô hẳn mồ hôi mới đưa trẻ đi tắm. Bởi vì sau khi vận động, lỗ chân lông của trẻ đang mở để thoát mồ hôi, tản nhiệt, chính vì thế, đi tắm ngay sẽ bị ốm...

M.Nguyệt (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thoi-tiet-thay-doi-me-luu-y-tam-cho-con-dung-cach-de-tranh-om-dau-cam-lanh-a545571.html