Từ vụ bé 8 tuổi bị bọ chét chui vào tai: Cha mẹ đừng chủ quan với thú nuôi trong nhà

Ngoài mang lại niềm vui, thú cưng còn tiềm ẩn một số mầm bệnh có thể lây nhiễm sang người, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được chăm sóc, vệ sinh đúng cách.

Bọ chét chui vào bệnh nhi

Con bọ chét trong tai của cháu B. Ảnh Nguyễn Bửu Thuyên

Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), sáng 7/10, cháu N.T.N.B. (8 tuổi) được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám vì nghi ngờ có dị vật trong ống tai.

Tại khoa Tai Mũi Họng, các bác sĩ phát hiện trong tai của cháu B. có một con bọ chét còn sống. Sau khi được đưa vào phòng mổ, qua nội soi, các bác sĩ đã tiến hành gắp thành công con bọ chét ra ngoài.

Theo người nhà của cháu B., gia đình có nuôi 3 con chó. Cháu B. thường chơi đùa, có khi ôm chó vào người nên có thể đã bị bọ chét chui vào tai.

Mới đây, một trường hợp khác là cháu Đ. V. K.  2 tuổi, ở xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, cũng với các triệu chứng tương tự, khi bác sĩ phát hiện dị vật là con bọ chét trong tai cháu thì ống tai của K đã bị chít hẹp, màng nhĩ khó quan sát. Bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật là con ve chó ra khỏi tai cháu K.

Bệnh nhi được nội soi gắp bọ chét ra khỏi tai. Ảnh: VTC News

Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành gắp một con bọ chét ra khỏi tai một cháu bé 10 tuổi.

Theo các bác sĩ, bọ ve chó khi chui vào tai nếu không phát hiện kịp thời để gắp ra thì ngoài việc hút máu, nó có thể ký sinh trong tai lâu ngày làm cho tai bị điếc.

Ve chó hay còn gọi là bọ chét, là loài ký sinh trùng có thể gây bệnh và làm vật trung gian truyền nhiễm một số bệnh ở người. Không chỉ gây hại trên động vật, ve chó còn lan truyền virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khi cắn người.

Để phòng tránh ve chó ký sinh trong tai của trẻ, các bậc phụ huynh  nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo. Nếu có tiếp xúc thì phải vệ sinh tay sạch sẽ, tắm rửa, gội đầu ngay.

Đồng thời, thường xuyên vệ sinh môi trường sống, nhất là các gia đình có nuôi chó, mèo. Đối với vật nuôi, nên thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ nơi ở của chúng.

Để tránh hậu quả đáng tiếc, khi trẻ đang khỏe mạnh bình thường, không sốt, không chảy mũi mà xuất hiện triệu chứng đau, ngứa, chảy dịch ở tai thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được xử lý kịp thời.

M.Nguyệt

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-be-8-tuoi-bi-bo-chet-chui-vao-tai-cha-me-dung-chu-quan-voi-thu-nuoi-trong-nha-a545932.html