Mệt mỏi vì trẻ hay mè nheo, ăn vạ, mẹ hãy áp dụng ngay bí quyết này

Với nhiều cha mẹ, điều bực mình và khó chịu nhất có lẽ là con cái hay mè nheo, vòi vĩnh… Tuy nhiên, các mẹ đừng mất bình tĩnh, hãy làm theo các chiến thuật đơn giản này để sửa thói hay mè nheo, ăn vạ của trẻ.

Đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ

Có một sự thật là khi không nhìn thấy đồ mà mình muốn thì trẻ sẽ không đòi. Chính vì vậy, các mẹ phải nắm bắt tâm lý, sở thích cũng như hoàn cảnh hiện tại để có thể tránh những cơn mè nheo, ăn vạ của con.

Khi vào siêu thị, chắc chắn bé sẽ đòi mua cái này cái kia khi đi qua gian hàng đồ chơi. Vì thế hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách dẫn bé đến khu quần áo, khu đồ ăn... và cùng trẻ chọn những món đồ ở đó. Các mẹ chỉ nên cho trẻ qua gian hàng đồ chơi khi mà bạn chắc chắn muốn mua cho con.

Làm ngơ trước chiêu trò ăn vạ của trẻ

Khi một đứa trẻ đang trong cơn giận dữ, mè nheo, điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh và không cố gắng nói lý lẽ với trẻ. Ảnh minh họa

Các mẹ phải nên bình tĩnh và lờ đi mọi hành động khi thấy trẻ bắt đầu nhõng nhẽo. Việc cha mẹ trở nên giận dữ cũng khiến bé hiểu rằng mình đang thu hút sự chú ý và như thế càng hăng say ăn vạ, mè nheo.

Ngay khi thấy trẻ cất lời mè nheo, mẹ hãy dứt khoát mà nói với con rằng: "Dừng lại ngay! Mẹ không thích nghe những tiếng khóc lóc van xin. Hãy nói cho mẹ biết con muốn gì một cách ngay ngắn đi nào". 

Sau đó, cha mẹ hãy đi chỗ khác, bỏ lơ bé cho đến khi bé chịu nói chuyện bằng giọng điệu có thể chấp nhận được. Điều quan trọng nhất khi sử dụng cách này là các mẹ phải đủ kiên nhẫn. Mẹ hãy nhớ rằng nếu bé không thể có được những gì mình muốn, cuối cùng bé cũng sẽ dừng lại.

Kể một câu chuyện cho bé nghe

Kể một câu chuyện về cơn cáu giận, mè nheo của con bạn nhưng dùng nhân vật khác, như một chú chim hay một chú cáo. Lắng nghe tình huống từ những cách tiếp cận khác, theo lối nhẹ nhàng, hài hước có thể giúp trẻ hiểu việc mình đang làm.

Nói ra tâm trạng của con và ôm bé vào lòng

Một khi cha mẹ thấu hiểu con mình tốt hơn, họ có thể dễ dàng hơn khi đặt ra các giới hạn, kỷ luật và giao tiếp với trẻ. Ảnh minh họa

Trên thực tế thì có nhiều hình thức và cấp độ trẻ ăn vạ khác nhau. Nếu như bé chỉ hờn dỗi do muốn làm việc gì đó nhưng không tự làm nên quay ra ăn vạ, thì cách tốt nhất là mẹ hãy giúp con gọi tên cảm xúc đó, và vượt qua những tình huống mà con không mong muốn.

Ví dụ như khi bé ngồi chơi xếp hình, tuy nhiên lại không tự xếp được nên sẽ tức giận và ném đi. Lúc ấy, mẹ hãy ngồi xuống và dạy con chơi. Chắc chắn, dù đang khóc thế nào thì bé vẫn đồng ý và không hờn dỗi nữa.

Nhật Hạ (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/met-moi-vi-tre-hay-me-nheo-an-va-me-hay-ap-dung-ngay-bi-quyet-nay-a546266.html