TPBVSK Phục Cốt Khang đang bị quảng cáo sai công dụng được cấp phép

Cục An toàn Thực phẩm (bộ Y tế) mới đây đã phát đi cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Phục Cốt Khang tại một số website.

Theo cục An toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua trên website https://www.phuccotkhang-chinhhang.online/thao-duoc-phuc-cot khang?gclid=Cj0KCQiAwf39BRCCARIsALXWETyBMa38sEOU8t9YM4u1s833sBkoXM1QroR2n8Q6wEXLcuAxR-PFZg4aApb4EALw_wcB có nội dung quảng cáo sản phẩm Phục Cốt Khang gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sử dụng  hình ảnh bác sỹ kèm theo cảm ơn của bệnh nhân trái quy định, vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.

Website sử dụng hình ảnh người được cho là lương y để quảng cáo sản phẩm TPBVSK Phục Cốt Khang không khác gì thần dược

Sản phẩm này là TPBVSK có "Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm" số 13840/2019/ĐKSP ngày 27/12/2019 và "Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" số 1036/2020/XNQC-ATTP ngày 4/3/2020 do công Ty TNHH Thương mại GVN (Địa chỉ: tầng 12, tòa nhà Licogi 13 Tower, số 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Sản phẩm sản xuất tại Nhà máy 2 - công ty CP Dược phẩm quốc tế Thăng Long (Địa chỉ: Lô 7-1 Protrade International Tech Park, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Sản phẩm Phục Cốt Khang không phải thuốc, người tiêu dùng cần cẩn trọng với các thông tin quảng cáo sai sự thật

Hiện, cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý sẽ được công khai theo quy định.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Theo cục An toàn thực phẩm, nhiều đơn vị hiện nay quảng cáo "thần thánh hóa" công dụng của các loại TPCN/TPBVSK trong khi các sản phẩm này chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Theo quy định TPCN/TPBVSK tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người.

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, việc quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, khi mắc bệnh mua về sử dụng thay vì đến bệnh viện khiến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Đứng trên góc độ pháp lý, việc quảng cáo TPCN/ TPBVSK gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013, theo đó mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.

Theo khoản 2, Điều 27, Nghị định15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Tào Đạt

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tpbvsk-phuc-cot-khang-dang-bi-quang-cao-sai-cong-dung-duoc-cap-phep-a548004.html