"Truy tìm" nguyên nhân khiến thiên tai dồn dập năm 2020

Mưa bão, lũ lụt, sạt lở… liên tiếp đã khiến nhiều mảng màu xám xuất hiện thêm trên bức tranh kinh tế xã hội năm 2020 vốn đã tối màu vì dịch bệnh COVID-19.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Từ đầu năm đến nay, trong khi cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, thì cũng phải đồng thời phải đối phó với một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Ngay trong ngày 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán 2020 đã xuất hiện dông lốc, mưa đá dữ dội ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, một điều rất hiếm khi xảy ra trước đây. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá là mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề. 

Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường, đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Lũ lớn xảy ra trên toàn tuyến 16 sông chính, trong đó có 6 tuyến sông, lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.

Đáng chú ý nhất, sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) xảy ra vào ngày 12/10 đã vùi lấp 17 công nhân (hiện vẫn còn 11 người mất tích chưa tìm được thi thể) và khiến 13 liệt sĩ hi sinh khi tìm kiếm, cứu nạn. Ngoài ra, vụ sạt lở núi kinh hoàng tại nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam) vùi lấp 19 người, hiện vẫn còn 13 người mất tích; hay vụ sạt lở tại doanh trại của đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh… 

Thiên tai năm 2020 quá đáng sợ.

Theo thống kê của tổng cục Phòng chống thiên tai (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020 đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất.

Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế là gần 40 nghìn tỷ đồng. Tại miền Trung, đợt mưa lũ từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020 đã cướp đi sinh mạng của 249 người, 57 người mất tích, hơn 1,5 nghìn ngôi nhà bị sập đổ; gần 240 nghìn ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái. Nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 4 nghìn ha lúa, 7,6ha hoa màu bị hư hỏng; 12,6 nghìn ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38,5 nghìn gia súc, 3,2 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, vào những ngày này, khi chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, thì các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh Bắc Trung Bộ lại phải hứng chịu một đợt rét đậm, rét hại. Nhiệt độ nhiều nơi tại Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn… rơi xuống âm độ và xuất hiện băng tuyết trắng xóa. Trâu bò, lợn gà, rau màu của bà con bị chết và hư hỏng... thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân?

Đánh giá về hiện tượng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân chính gây ra mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng, rét đậm rét hại và cả ô nhiễm không khí thời gian vừa qua là do biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH khiến thiên tai diễn biến bất thường, khó lường và không theo quy luật. BĐKH cũng khiến nước biển dâng, trái đất nóng lên và làm lượng mưa tăng kỷ lục. Thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát tính cực đoan của BĐKH và thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai đã tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.

Nói về nguyên nhân dẫn đến lũ lụt ở miền Trung vừa qua, TS Nguyễn Ngọc Chu - nguyên cán bộ viện Toán học (viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) - cho rằng, việc để xảy ra thiên tai là do nhân tai, tức con người gây ra. Việc cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ ồ ạt khiến diện tích rừng tự nhiên bị mất đi, đồng thời tiếp tay cho nạn trộm gỗ, phá rừng lợi dụng sơ hở thực hiện mục đích. Việc mất đi rừng tự nhiên khiến hệ sinh thái mất đi sự cân bằng, dẫn đến chức năng cản lũ của rừng không còn và hậu quả là lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng như hiện nay. Và nếu tiếp tục phá rừng thì hậu quả còn ghê gớm hơn hiện tại.

“Trong các dự án phá rừng, thì thủy điện là “một con thú dữ”. Bởi khác với các dự án khác, thủy điện không những phá rừng, mà còn đắp đập ngăn nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì các hồ thủy điện lưu giữ khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa nước trong cả nước. Các hồ chứa nước của thuỷ điện cắt được lũ trong mùa mưa nhỏ, nhưng tạo nên lũ lớn hơn vào mùa mưa lũ lớn. Các hồ chứa nước của thủy điện ngăn cản sự tuần hoàn tự nhiên của nước, làm mất sự cân bằng sự phân phối nước trên bề mặt và dưới lòng đất, từ đó dẫn đến sự biến đổi toàn bộ hệ thống sinh thái”, TS Nguyễn Ngọc Chu nhấn mạnh.

Cũng theo TS Chu, một mối nguy khác chính là việc xây dựng đường giao thông đến thủy điện nhỏ. Các nhà đầu tư chỉ chú trọng đến chi phí. Họ bạt rừng để làm đường và chọn những cung đường ngắn nhất dù phải làm đường dưới sườn núi dốc đứng nên những con đường không đủ rộng. Nguy cơ sạt lở ở các con đường dẫn đến thuỷ điện nhỏ rất cao, đầy ắp nguy hiểm. Các trận lũ lụt và sụt lở đất trong tháng 10/2020 ở miền Trung đã minh chứng cho điều đó.

Biến đổi khí hậu đang là nguyên nhân chính dẫn đến thiên tai thảm họa ở nước ta.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - lý giải, hiện tượng rét đậm rét hại có mưa tuyết xảy ra liên tục trong mùa Đông năm nay, là do tháng cuối năm, mặt nước biển tại trung tâm Thái Bình Dương có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Đây là trạng thái nước biển lạnh hơn một cách bất thường, trái ngược với El Nino.

Ảnh hưởng của hiện tượng này khiến không khí lạnh tác động mạnh đến thời tiết miền Bắc. Mùa đông năm nay đã được dự báo đến sớm, có thể ghi nhận các đợt rét kỷ lục với nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm. Thậm chí là có cả mưa tuyết dày.

Đánh giá thời tiết năm 2021, theo dự báo, các hình thái thời tiết cực đoan ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Trong những tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Mùa khô 2020 - 2021, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ sớm và gay gắt hơn.

Phòng chống thiên tai 2020 còn hạn chế

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng tổng cục phòng, chống thiên tai (bộ NN&PTNT) - cho biết, phòng, chống và đối phó thiên tai năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mặc dù đã được chi ngân sách hỗ trợ.

Ví dụ như khối lượng công việc khắc phục hậu quả quá lớn, đa dạng các lĩnh vực, phạm vi trên diện rộng, khắp các khu vực từ trên biển đến đồng bằng và miền núi, trong khi lực lượng phòng, chống thiên tai các cấp còn rất mỏng cho nên công tác tổng hợp thống kê thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp chưa thực hiện kịp thời.

Ngoài ra, các quy định về triển khai, cơ chế phối hợp còn hạn chế dẫn đến ứng phó chưa kịp thời, hiệu quả phòng chống thiên tai tại một số nơi chưa cao. Quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai đã bộc lộ nhiều hạn chế cần cập nhật, cần bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.

Theo ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường, bộ TN&MT, để giảm rủi ro thiên tai, biến đổi khí khậu khắc nghiệt xảy ra, mỗi người dân cần có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, chủ động lên tiếng hành động từ việc nhỏ nhất như vứt rác bừa bãi, đốt rơm rạ,... để cùng nhau xây dựng việc lớn.

“Ngoài ra chúng ta cần thiết lập thêm trạm đo mưa, radar,… hiện đại hóa các thiết bị quan trắc, dự báo để ngày càng tiệm cận số liệu thực tế để có phương án cảnh báo, đối phó. Vì công tác dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trong rất quan trọng  trong vận hành, điều tiết cắt giảm lũ của hồ chứa”, ông Tùng cho hay.

Còn theo TS.Nguyễn Ngọc Chu, các nhà quản lý nên chấm dứt việc phê duyệt xây dựng những nhà máy thủy điện nhỏ, tập trung phát triển rừng tự nhiên, nhân rộng trồng rừng tự nhiên phủ xanh đồi núi để giảm bớt những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trồng được nhiều rừng mới. Đó là những di sản quý giá mà thế hệ trước phải để lại cho thế hệ sau. Của hồi môn – không có gì quý hơn môi trường sống.

TS.Nguyễn Ngọc Chu.

PGS.TS Đào Trọng Tứ - trung tâm Bảo tồn Tài nguyên nước và thích nghi với BĐKH, mạng lưới Sông ngòi Việt Nam - thì cho rằng, trong số nhiều biện pháp khẩn trương góp phần phòng chống và hạn chế tai nạn sạt lở thiên tai, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương các đơn vị nghiên cứu đã có dự án điều tra khảo sát địa chất tại các tỉnh miền Trung và các địa phương khác, phối hợp với các địa phương này tổ chức công bố bản đồ hoặc đưa ra các địa điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở. Cách công bố nhanh nhất lúc này là thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương cũng như tại các địa điểm công cộng. Cùng với đó, khẩn trương tiến hành khảo sát, cập nhật các thông số sạt lở mới tại các vùng có nguy cơ cao nhất.

Cần có chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, thời gian tới cần tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. 

Trên cơ sở bản đồ, sẽ quy hoạch, phân bổ lại, bố trí lại dân cư và có những chủ trương đầu tư để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/truy-tim-nguyen-nhan-khien-thien-tai-don-dap-nam-2020-a550321.html