Vụ tài nguyên “rỉ máu” từ những lò gạch của công ty Đại Hưng: Muốn gặp Chủ tịch xã phải thông qua… doanh nghiệp?

Có dấu hiệu sai phạm sử dụng đất tại dự án cải tạo ao hồ, nhưng Giám đốc Công ty Đại Hưng Trần Quyết Chiến còn khiến phóng viên ngạc nhiên hơn khi “điều khiển” được cả Chủ tịch xã Trung Mầu.

Lý giải khó hiểu của Giám đốc

Sau khi Đời sống và Pháp luật đăng bài: “Tài nguyên bị “rỉ máu” từ những lò gạch của công ty Đại Hưng?”, phóng viên tiếp tục có buổi làm việc với ông Trần Quyết Chiến – Giám đốc công ty Đại Hưng về một số nội dung được nêu trong bài viết.

Tìm hiểu của PV, khu vực Nền Lò, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội được ông Trần Quyết Chiến thuê đất có thời hạn, với mục đích cải tạo ao hồ. Tuy nhiên, người dân nơi đây phản ánh, công ty này đã dựng lên những lò gạch và tận thu tài nguyên bằng việc đào đất tại chỗ để sản xuất gạch. Tiết lộ của một công nhân làm việc tại đây, công ty Đại Hưng mua đất từ bên ngoài vào chủ yếu là đất thải để san lấp. Trong khi đó, đất dùng để sản xuất gạch lại là đất khai thác tại chỗ. Đất mua bên ngoài chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số đất nguyên liệu dùng để sản xuất gạch. Thế nhưng, tại buổi làm việc, ông Trần Quyết Chiến cho rằng, hình ảnh máy múc đất “là lấy phế thải đổ đi chứ không phải múc đất làm gạch” (?).

Được biết, Nền Lò vốn là khu đất canh tác màu mỡ, vậy bao nhiêu khối đất được đổ đi đâu để có được nơi chứa hàng chục, thậm chí hàng trăm vạn khối đất được ông Trần Quyết Chiến cho là phế thải đó? Trước thắc mắc của phóng viên, ông Trần Quyết Chiến chưa giải thích được!

Ông Chiến cũng phủ nhận việc dùng đất tại chỗ làm nguyên liệu sản xuất gạch.“Toàn bộ đất sản xuất gạch được mua từ đất đào móng của các công trình ở TP.Hà Nội” – ông Chiến nói.
 

2 chuyện lạ sau bài viết: Tài nguyên bị “rỉ máu” từ những lò gạch của công ty Đại Hưng? - ảnh 1

Ông Tạ Đình Tuyến và ông Trần Quyết Chiến đều khẳng định rằng, dự án cải tạo ao là đào sâu và mở rộng diện tích ao chứ không có đào mới. Tuy nhiên, hình ảnh thực tế phóng viên ghi nhận được cho thấy, nhiều diện tích đất được đào mới rồi dùng đất thải san lấp lại.

Một việc lạ là, ngay sau khi bài viết được đăng tải thì hoạt động sản xuất của những lò gạch ở đây gần như bị tê liệt.

Lý giải sự lạ này, ông Trần Quyết Chiến nói rằng: “Khi có bài đăng, cán bộ công an tên Hồi đã nhiều lần sang làm việc với tôi và đã lập biên bản”. Đây chỉ là lời của ông Chiến mà chưa được cơ quan chức năng xác nhận.

Muốn gặp Chủ tịch xã phải thông qua… doanh nghiệp?

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong sử dụng đất được thuê của ông Trần Quyết Chiến và việc sử dụng nguồn tài nguyên đất phục vụ sản xuất gạch của công ty Đại Hưng, phóng viên đã từng liên hệ làm việc với UBND xã Trung Mầu. Từ ngày 11/12 đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua, phóng viên chưa nhận được một phản hồi nào từ UBND xã. Đáng nói, sau nhiều cuộc gọi và tin nhắn của phóng viên tới số máy cá nhân ông Chủ tịch xã Tạ Đình Tuyến, phóng viên chỉ nhận được tín hiệu báo bận hoặc không phản hồi.

Ở một diễn biến liên quan, khi làm việc với phóng viên, ông Trần Quyết Chiến nhiều lần khoe quan hệ rất thân với lãnh đạo địa phương: “Chỗ anh Tuyến thích thì tôi gọi lúc nào cũng ra ngay. Anh Tuyến với tôi như người nhà ấy mà” – ông Trần Quyết Chiến nói với phóng viên.
 

2 chuyện lạ sau bài viết: Tài nguyên bị “rỉ máu” từ những lò gạch của công ty Đại Hưng? - ảnh 1

Ông Tạ Đình Tuyến – Chủ tịch UBND xã Trung Mầu trong buổi gặp phóng viên tại công ty Đại Hưng.

Vì muốn xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm của phía công ty Đại Hưng, phóng viên đã đề nghị ông Trần Quyết Chiến gọi Chủ tịch UBND xã Trung Mầu đến văn phòng công ty Đại Hưng. Đúng như cuộc hẹn, lúc 16h30 ngày 09/03, tại văn phòng công ty Đại Hưng thuộc khu Nền Lò, ông Tạ Đình Tuyến xuất hiện với thái độ rất thân mật: “Ở huyện đang có cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch Covid, bận lắm nhưng mà anh Chiến gọi nên cứ phải ra…”.

Vậy là phóng viên muốn gặp ông Chủ tịch UBND xã Trung Mầu, không gì dễ hơn là thông qua… doanh nghiệp? Bởi phóng viên có hẹn mãi, hẹn hoài… cũng sẽ khó mà gặp được Chủ tịch xã . Nhưng khi doanh nghiệp “gọi” thì… dù bận họp, Chủ tịch xã cũng vẫn đến!

Đời sống và Pháp luật tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

Tại khoản 4, Điều 5 của Quyết định 120/QĐ-UBND ngày 29/11/2001 của UBND TP.Hà Nội về việc ban hành quy định về quản lý đầu tư, sản xuất gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn Thành phố Hà Nội nêu rõ:

Đất khai thác để sản xuất gạch, ngói đất sét nung gồm:

a. Đất sét mỏ, đất sét đồi tại những khu vực đã được quy hoạch sử dụng sản xuất gạch, ngói; đất úng ngập không có khả năng canh tác; đất nạo vét, khơi sâu ao, sông, hồ; đất bãi sông ngoài hành lang bảo vệ đê không dùng để sản xuất nông nghiệp; đất đê đã được hủy bỏ; đất hạ cốt để cải tạo đồng ruộng đã có đề án được duyệt.

b. Việc giao đất sét mỏ, đất sét đồi cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư sản xuất gạch, ngói đất sét nung được thực hiện theo Quyết định số 68/1999/QĐ-UB ngày 18/8/1999 của UBND Thành phố quy định về thủ tục để được giao đất cho thuê đất trên địa bàn Thành phố; phải phù hợp với quy định tại các Điều 4, 6, 41 Luật Khoáng sản, Điều 9 Nghị định 68/CP ngày 01/11/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật khoáng sản và phù hợp với các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật đó; khi khai thác đất phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

c. Nghiêm cấm sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang các công trình giao thông, đê, cầu, kè cống, đường điện cao thế; đất an ninh quốc phòng vào sản xuất gạch, ngói đất sét nung.

d. Đất để sản xuất gạch, ngói đất sét nung phải có quy trình, thiết bị khai thác phù hợp, đảm bảo khai thác đúng quy hoạch, sử dụng hợp lý, có hiệu quả và có phương án sử dụng hoặc hoàn trả lại mặt bằng sau khi khai thác xong.

Nguyễn Khuê -  Đời sống và Pháp luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-tai-nguyen-ri-mau-tu-nhung-lo-gach-cua-cong-ty-dai-hung-muon-gap-chu-tich-xa-phai-thong-qua-doanh-nghiep-a552285.html