Quảng Bình: Cả gia đình nhập viện cấp cứu sau khi ăn nấm mối

Sau khi ăn nấm, cả 5 người trong gia đình ông H., bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy liên tục.

nam-doc-1620374528.jpg
 

Ngày 7/5, ông Lê Chiêu Tú - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết 5 người trong một gia đình trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã phải nhập viện điều trị vì ngộ độc sau khi ăn nấm. Hiện, các bệnh nhân đã tỉnh táo, ổn định sức khỏe và có thể xuất viện.

Cụ thể, gia đình ông Lê Xuân H. (ở xã Phúc Trạch) đã mua 0,5kg nấm mối về chế biến làm thức ăn. Sau khi ăn xong vào chiều 5/5, cả 5 người trong gia đình gồm vợ chồng ông H, 2 người con trai, 1 con dâu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy liên tục.

Thấy tình trạng sức khỏe bất ổn, những người này đã đến trạm Y tế xã.

Ngày 6/5, gia đình ông H.được chuyển đến bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch để tiếp tục điều trị. Tại đây, các bác sỹ xác định 5 bệnh nhân bị ngộ độc nấm nên rửa ruột, truyền dịch giải độc và chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.

Sáng 7/5, sau quá trình điều trị tích cực, 3 người đã xuất viện, còn vợ chồng ông H. dự kiến sẽ được xuất viện sáng 8/5.

Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch Lê Chiêu Tú cho biết thời điểm này, các loại nấm phát triển nhiều, nhất là nấm mối, nấm tràm thường được người dân địa phương ưa chuộng và tìm hái, mua về ăn.

Tuy nhiên, xen lẫn các loại nấm lành sẽ có các loại nấm độc với hình thù, màu sắc tương tự nhau, người dân khó phân biệt. Có những trường hợp ngộ độc nặng do ăn phải nấm chứa độc tố amatoxin. Đây là loại nấm rất độc, thường gây chết người do chất độc phá hủy tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng, bác sỹ Lê Chiêu Tú khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên mua, hái nấm dại, nấm lạ để ăn; chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng và đã biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm.

Biểu hiện khi ăn phải nấm độc

Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Biểu hiện ngộ độc nấm có thể xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút, còn bình thường biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 2-4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa.

Ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện chung như sau:

- Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu.        

- Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu.

- Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn.

- Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái.

- Co giật, tăng tiết đờm rãi.

- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được.

- Khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi.

Nhóm gây ngộ độc sớm:

Với một số loại nấm gây ngộ độc sớm, thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: giãn mạch, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nước dãi, tiêu chảy, nôn mửa, hạ huyết áp… Một số trường hợp còn có các biểu hiện như giãy giụa, co giật, mê sảng, đồng tử giãn, đỏ da, niêm mạc miệng và mắt khô, có các ảo giác như nhìn thấy các đốm sáng hoặc các vạch nối nhau chạy trước mắt…

Nhóm gây ngộ độc muộn:

Nhóm gây ngộ độc muộn thường rất nguy hiểm do dấu hiệu ngộ độc chỉ xuất hiện sau 6 – 12 giờ, thậm chí là 40 giờ. Các biểu hiện thường gặp ở nhóm này là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều, nước tiểu vàng, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi ngoài ra máu… Với nhóm gây ngộ độc muộn, bệnh nhân tử vong rất nhanh chỉ sau vài ngày do suy gan, chảy máu nhiều, co giật…

Sơ cứu ngộ độc nấm

- Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.

- Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.

- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng.

- Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.

- Không tự về nhà trong 1-2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.

- Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt.

- Cần lưu ý là khi bị ngộ độc nấm, tuyệt đối không được cho bệnh nhân uống các loại thuốc có rượu vì rượu sẽ làm chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng hiệu lực của độc tố trong cơ thể.

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/quang-binh-ca-gia-dinh-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-an-nam-moi-a553502.html