Cụ bà 105 tuổi có 100 năm uống cà phê

Cụ bà 105 tuổi đã làm quen với cà phê được 100 năm. Đến nay cụ vẫn duy trì thói quen uống một cốc mỗi ngày.

Mỗi buổi chiều, trong ngôi nhà cổ ở thành phố Lệ Thủy (Chiết Giang) ông Trình Trân Thụ, 84 tuổi đều không quên pha cho mẹ mình là cụ bà Trình Ái Vân, 105 tuổi, một cốc cà phê. Cụ bà ngồi trên ghế sofa thưởng thức từng ngụm cà phê đậm đà, dáng vẻ vô cùng thoải mái.

cu-ba-105-tuoi-co-den-100-nam-uong-ca-phe1-1621413308.jpeg

Ông Trình mỗi ngày đều không quên pha cà phê cho mẹ.

Theo lời ông Trình Trân Thụ, mẹ của ông biết tới cà phê từ khi mới 4-5 tuổi. Cụ bà đã gắn bó với thức uống này được cả trăm năm. Hiện giờ cụ vẫn uống một cốc to sau khi ngủ dậy mỗi buổi trưa.

Cụ bà là người gốc ở thành phố Lệ Thủy, sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Khi còn nhỏ, có một số người nước ngoài sống cạnh nhà, thấy cô bé Trung Quốc đáng yêu nên mỗi khi uống cà phê họ thường gọi lại chia cho một cốc nhỏ. Ái Vân bắt đầu yêu thích hương vị cà phê từ đó, khi chưa tròn 5 tuổi.

Trước đây, ở Lệ Thủy không dễ để mua cà phê, nên mỗi lần cha cụ đi công tác ở Thượng Hải hay Hàng Châu, ông thường mang về một ít cà phê cho con gái. Cô bé Trình Ái Vân lớn lên trong hương thơm cà phê bố mang về.

Đến tuổi lấy chồng, Ái Vân kết hôn với một thanh niên trẻ ở địa phương, thói quen uống cà phê vẫn tiếp tục duy trì. Năm 1949, người chồng bỏ nhà đi để lại vợ và con trai duy nhất, Trịnh Ái Vân phải làm việc vất vả nuôi nấng con trai trưởng thành. "Thời trẻ, mẹ tôi rất xinh đẹp. Khi bố tôi bỏ đi, mẹ tôi đã ngoài 30. Những người ở cùng hoàn cảnh như mẹ tôi có thể kết hôn, nhưng bà ấy không lấy chồng mà một mình nuôi tôi khôn lớn”, ông Trình Trân Thụ kể lại. Dù trải qua quãng thời gian khó khăn nhưng cụ bà vẫn giữ được niềm đam mê với cà phê.

Lớn lên, cậu con trai Trình Trân Thụ sớm tạo dựng sự nghiệp và có cuộc sống khấm khá. Ngày nào người đàn ông hiếu thảo này cũng pha cho mẹ một cốc cà phê tự rang bằng tay. Nếu bận việc, ông nhờ vợ pha giùm, không để mẹ thiếu đồ uống yêu thích một ngày nào. Nhưng một vài năm trước, cụ bà bắt đầu chuyển sang sử dụng cà phê hòa tan. "Có thể khẩu vị của mẹ tôi thay đổi, song tôi cho rằng bà sợ làm phiền con cháu", người đàn ông 84 tuổi nói.

cu-ba-105-tuoi-co-den-100-nam-uong-ca-phe2-1621413335.jpeg

Với ông Trình Trân Thụ được chăm sóc mẹ là hạnh phúc không phải ai cũng có.

Hiện tại, gia đình bốn thế hệ nhà ông Trình sống trong ngôi nhà 4 tầng tự xây ở khu phố cổ. "Tôi gọi mẹ dậy mỗi sáng. Một người đàn ông ngoài 80 tuổi được đánh thức mẹ hàng ngày là hạnh phúc không phải ai cũng có. Mẹ tôi thường nói với tôi rằng bà muốn sống thêm mười năm nữa và bà chắc chắn sẽ có thể. Bà sống thêm được ngày nào, tôi sẽ pha cà phê thêm từng ngày đó", ông Trình nói.

Từ những lời của ông Trình Trân Thụ, chúng ta có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị đó là người con được chăm sóc mẹ mỗi ngày. Quả thật mấy ai được như ông Trình, 84 tuổi mà có mẹ ở bên để được chăm sóc, phụng dưỡng. Ngày nay, hầu hết mọi người trong xã hội sau khi ra trường bước vào công việc, sau khi lập gia đình và sinh con, cuộc sống và công việc bận rộn luôn khiến họ bị gò bó trong quỹ thời gian eo hẹp, không còn thời gian ở bên cha mẹ. Do vậy nếu ai còn cha còn mẹ thì nên trân trọng thời gian bên gia đình đừng để muộn rồi mới hối hận.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cu-ba-105-tuoi-co-100-nam-uong-ca-phe-a553919.html