Bé trai 3 tuổi nhập viện cấp cứu vì nuốt cục pin hình cúc áo

Các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vừa gắp dị vật là 1 cục pin loại cúc áo trong thực quản của bé trai 3 tuổi.

Theo các bác sĩ, do gia đình không để ý, bé trai đã nuốt 1 cục pin. Sau đó được phát hiện, gia đình đưa bé nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, qua thăm khám, phát hiện dị vật nằm ở thực quản bé trai. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí và gắp dị vật ra.

14-be-trai-1623851789677605940947-1623891984.jpg
Các bác sĩ thăm khám, chuẩn bị gắp dị vật cho bé trai. Ảnh do bệnh viện cung cấp

 

Liên quan đến trường hợp của bệnh nhi này, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng quát 1 - bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trẻ em dưới 5 tuổi dễ bị ngộ độc do pin

Ngộ độc do pin là tai nạn khá thường gặp ở trẻ em những năm gần đây. Không như các bậc phụ huynh nghĩ, trẻ em có thể  lấy pin ra khỏi vỉ  chứa hoặc các trang thiết bị có sử dụng pin để  dễ dàng nuốt hoặc nhét vào tai, vào mũi.

Ngộ độc pin ở trẻ em chủ yếu ở độ tuổi nhỏ hơn 5 tuổi gây hậu quả nặng nề hơn ở người lớn, pin càng lớn tiên lượng càng nặng. Đặc biệt ở trẻ nhỏ do đường kính thực quản nhỏ, pin dễ bị kẹt lại tại đây gây biến chứng nặng nề.

Khi nuốt pin vào thực quản, đầu tiên dòng điện phát sinh trong cơ thể từ pin sẽ gây phỏng niêm mạc thực quản, pin gắn chặt vào đó đồng thời các chất trong pin, đặc biệt là chất kiềm có tính ăn mòn cao thoát ra tác dụng trên niêm mạc thực quản  gây viêm loét diễn tiến để lại di chứng sẹo hẹp thực quản. Tuỳ  thời gian pin nằm trong ống tiêu hoá mà pin gây phỏng mức độ nặng hoặc nhẹ, càng lâu phỏng càng nặng hơn.

Trong đa số các trường hợp pin vẫn còn nguyên vẹn khi bị nuốt và sau đó thải ra ngoài theo phân không gây nguy hại gì. Tuy nhiên nếu pin bị mắc trong thực quản hoặc bất kỳ chỗ nào trên ống tiêu hoá, có nguy cơ bị phỏng do hoá chất hoặc dòng điện thoát ra.

Triệu chứng lâm sàng

Rất ít trường hợp có triệu chứng ngay sau khi nuốt. Nếu pin vướng lại ở thực quản gây triệu chứng nuốt khó, nuốt đau, ho, nôn ói, sốt, làm trẻ kém ăn và quấy khóc nhiều. Nếu vướng lại ở ruột, trẻ sẽ có triệu chứng đau ngực hoặc đau bụng, nôn máu, phân có màu xám hoặc lẫn máu. Nếu nằm lâu trong cơ  thể pin sẽ gây tổn thương kéo dài dẫn đến hẹp thực quản, dò khí phế quản, tràn khí màng phổi hay xuất huyết phổi và ngưng tim.

Trong đa số các trường hợp pin sẽ di chuyển tự nhiên qua đường ruột trong vòng ba ngày. Pin lớn có khuynh hướng đứng lại ở đoạn gần, pin nhỏ thường đi xa hơn, một số ít trường hợp gây thủng túi thừa Meckel. Thông thường ở những vị trí này có những trường hợp không cần điều trị mà cũng không bị biến chứng dù có gây tổn thương tại chỗ.

Làm gì khi trẻ nuốt pin?

Khi phát hiện trẻ nuốt pin, tuyệt đối không được gây nôn vì không hiệu quả mà có thể làm nặng thêm tình trạng ngộ độc. Nếu trẻ vẫn khỏe, không có dấu hiệu triệu chứng nào, cho trẻ ăn uống bình thường, theo dõi phân của trẻ để xác định xem pin đã ra khỏi cơ thể hay chưa. Thông thường pin sẽ ra khỏi cơ thể theo phân trong khoảng thời gian 14 giờ đến 7 ngày.

Nếu từ 7 ngày trở đi mà vẫn chưa thấy pin trong phân hoặc phát hiện trẻ có những dấu hiệu triệu chứng ngộ độc nêu trên thì phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chụp X-quang ngực và  bụng xác định vị trí pin trong thực quản để nội soi lấy ra.

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/be-trai-3-tuoi-nhap-vien-cap-cuu-vi-nuot-cuc-pin-hinh-cuc-ao-a555103.html