Sở Công Thương TP.HCM sẽ có hướng dẫn về thực phẩm thiết yếu

Từ hiện tượng “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu” mà nhiều người dân quan tâm, lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM cho biết, sẽ có văn bản rõ ràng.

Tối 21/7, tại họp báo phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, PV Người Đưa Tin Pháp luật đặt câu hỏi cho ngành công thương về việc xác định “bánh mì” có phải là thực phẩm thiết yếu hay không?

Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi từ doanh nghiệp. Đối với thức ăn, thực phẩm ăn liền sẽ do ban Quản lý an toàn thực phẩm phụ trách”.

Do đó, sở Công Thương đã hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ đúng cơ quan quản lý để được trả lời chính xác nhất. 

Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, ngành thực phẩm sẽ có mã số để phân biệt đó là thực phẩm hay thức ăn. Quy định hiện nay, thức ăn chế biến sẵn chỉ được kinh doanh tại siêu thị, còn các địa điểm khác như cửa hàng, cơ sở sản xuất thì phải tạm ngưng.

“Về nhu cầu phát hành danh sách thực phẩm thiết yếu, chúng tôi sẽ rà soát và sớm có hướng dẫn cùng với các Sở, ngành khác”, ông Phương nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Sở Công Thương TP.HCM sẽ có hướng dẫn về thực phẩm thiết yếu

Phó Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương.

Đánh giá của lãnh đạo sở Công Thương TP.HCM cho rằng, tình hình cung ứng hàng hóa đã có chuyển biến rõ nét. Lượng hàng hóa mỗi ngày đều tăng lên. Trong khi sức mua thị trường đã giảm, số người mua cũng giảm hẳn.

Không còn cảnh người mua xếp hàng kéo dài. Giá trị đơn hàng cũng không còn cao như trước. Việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh cũng nhịp nhàng hơn, không còn hiện tượng ùn tắc.

Số lượng chợ truyền thống phải ngừng hoạt động vẫn gia tăng khi hôm qua (20/7) còn 33 chợ hoạt động nhưng hôm nay (21/7) chỉ còn 32 chợ hoạt động.

Có thêm 1 siêu thị phải ngừng hoạt động, tổng số lên đến 9/106 siêu thị ngưng hoạt động. Có 9 cửa hàng tiện lợi ngưng hoạt động trong khi 4 cửa hàng được hoạt động trở lại, tổng số 120/2.895 cửa hàng phải ngưng hoạt động.

Vừa qua, bộ Công Thương và bộ NN&PTNN đã cử đoàn công tác tiền phương phối hợp TP.HCM để hỗ trợ tìm kiếm, cung ứng hàng hóa.

Một số mặt hàng có dấu hiệu dư thừa đã được sở Công Thương địa phương khác liên hệ tiêu thụ tại thị trường TP.HCM. Đặc biệt là trứng gia cầm, tỉnh Đồng Nai cho biết sẵn sàng chia sẻ nguồn cung cho TP.HCM.

Theo đại diện ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, về cơ bản hiện chợ đã đáp ứng 10 tiêu chí do quận đưa ra để tổ chức điểm tập kết, trung chuyển nông sản với công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm.

Tuy nhiên, chợ vẫn chờ văn bản cụ thể của UBND TP.HCM và huyện Hóc Môn về việc chính thức cho phép tổ chức và hướng dẫn, hỗ trợ khâu vận tải cụ thể để thông tin đến thương nhân.

Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, cũng đã xong phương án mở cửa trở lại với mô hình điểm trung chuyển mặt hàng thủy hải sản tươi sống, theo đó đã chọn khoảng 20 tiểu thương đang có nguồn cung lớn, ổn định giá cả.

Nhưng chợ đang nằm trong khu vực phong tỏa nên vẫn phải chờ UBND quận có văn bản hướng dẫn.

Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/so-cong-thuong-tphcm-se-co-huong-dan-ve-thuc-pham-thiet-yeu-a556649.html