Vì đâu Nam Long lội ngược dòng thoát lỗ, báo lãi đậm?

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Nam Long lãi sau thuế 414 tỷ đồng, phần lớn nhờ thu nhập từ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty Thành phố Waterfront Đồng Nai.

Tại báo cáo tài chính quý II/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long, MCK: NLG) ghi nhận doanh thu 401 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp tăng cao khiến lợi nhuận gộp Công ty giảm, từ 138 tỷ xuống còn 116 tỷ đồng.

Về hoạt động tài chính, doanh thu cũng giảm đáng kể, chỉ đạt 9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 46 tỷ, trong khi chi phí (lãi vay) tăng. Dù vậy, NLG có ghi nhận phần lãi trong công ty liên doanh liên kết đột biến gần 63 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt xấp xỉ 6 tỷ).

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế trong kỳ thu về 48 tỷ đồng, giảm so với mức 68 tỷ hồi quý II/2020.

Bất động sản - Vì đâu Nam Long lội ngược dòng thoát lỗ, báo lãi đậm?

Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm của Nam Long giảm khoảng 3%, đạt 636 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu có nhiều xáo trộn khi mảng xây dựng cùng kỳ chiếm đến 61% thì nay giảm còn 35%, ghi nhận đạt 227 tỷ. Nguồn thu bán bất động sản cùng kỳ đóng góp 175 tỷ đồng, tương ứng hơn 26% nhưng sáu tháng đầu năm nay chỉ còn 11% là 69 tỷ đồng. Thay vào đó, doanh thu cung cấp dịch vụ tăng gần 12 lần lên 250 tỷ đồng và dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu.

Sau khi trừ các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp thì lỗ thuần gần 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ phát sinh thu nhập khác gần 430 tỷ đồng do mua Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai nên Nam Long không những thoát lỗ mà còn báo lãi đậm. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này đạt 414 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ.

Đại diện Nam Long lý giải khoản lợi nhuận đột biến nhờ tăng sở hữu tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai lên 65,1%, nên ghi nhận chênh lệch giá thị trường và giá mua. Hoạt động chính của Công ty Waterfront Đồng Nai là phát triển khu đô thị Waterfront City trên quy mô diện tích 170 ha tại xã Long Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Việc nắm quyền kiểm soát, hợp nhất vào báo cáo tài chính tại doanh nghiệp trên cũng khiến tổng giá trị hàng tồn kho của Nam Long tăng đáng kể.

Cụ thể, giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 30/6 là 14.009 tỷ đồng, tăng 7.940 tỷ so với đầu kỳ. Trong bất động sản dở dang, bên cạnh dự án Đồng Nai Waterfront (7.195 tỷ đồng), còn có dự án Hoàng Nam (2.775 tỷ), dự án Paragon Đại Phước (1.709 tỷ), dự án Vàm Cỏ Đông (1.174 tỷ) và hàng chục dự án dở dang khác.

Tổng tài sản tính đến cuối kỳ đạt trên 20.120 tỷ đồng, tăng khoảng 6.500 tỷ đồng. Khoản mục này biến động mạnh cũng do thương vụ tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.

Nợ phải trả của Nam Long cũng tăng hơn 3.500 tỷ đồng, lên xấp xỉ 10.460 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn, dài hạn và người mua trả tiền trước.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là chủ nợ lớn nhất của Nam Long khi vay 1.285 tỷ đồng, được thế chấp bằng BĐS và lãi vay từ 7%-10,2%/năm.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, cổ phiếu NLG của Nam Long đạt 38.150 đồng/cổ phiếu. Kể từ đầu năm, mã này đã tăng gần 30% giá trị.

Năm 2021 là năm đầu tiên trong chiến lược 3 năm 2021-2023 của Nam Long, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số trung bình mỗi năm trên 85%. Riêng năm 2021, Nam Long đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay 4.963 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.152 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 38% so với năm trước.

Cũng trong năm nay, NLG dự chi ra 2.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất. Ngoài một số quận ưu tiên trong vùng TP.HCM, Nam Long sẽ mở rộng thị trường tại Hà Nội và một số đô thị như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Bên cạnh nguồn vốn sẵn có, Nam Long lên kế hoạch huy động vốn trong năm nay bao gồm phát hành riêng lẻ và trái phiếu. Cụ thể, hồi đầu tháng 6, HĐQT quyết định phát hành riêng lẻ tối đa 60 triệu cổ phiếu NLG với giá không thấp hơn 30.800 đồng/cổ phiếu.

Dương Thị Thu Nga - Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-dau-nam-long-loi-nguoc-dong-thoat-lo-bao-lai-dam-a556673.html