Cần chính sách hỗ trợ nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - nguyên PGĐ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW đã có những chia sẻ về những đóng góp của đội ngũ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Thông tin từ Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, trong cuộc chống dịch Covid-19, đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19 trong khi làm việc và đã có 3 nhân viên y tế tử vong. Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất các phương án bảo vệ lực lượng nơi tuyến đầu.

Nguy cơ dẫn tới việc nhân viên y tế có khả năng lây nhiễm cao cũng như cách phòng chống, điều trị thế nào? PV Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với Ths.BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về vấn đề này. 

Bĩnh tĩnh sống - Cần chính sách hỗ trợ nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19

Ths.BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

PV: Nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 đang gặp rất nhiều nguy cơ về lây nhiễm?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Bản thân các nhân viên y tế đang phải làm việc trong môi trường có virus lây lan mạnh, nhanh và phát tán trong không gian hẹp. Chính vì virus trong môi trường kín thì lập tức lây cho tất cả mọi người. Trong khi điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, thời tiết nóng bức, vấn đề thông gió cũng cần phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng vì nếu không có thông gió thì không khí, bệnh phẩm trong phòng và virut sẽ tồn tại, tích tụ, tạo thành nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Bên cạnh đó là cơ sở điều trị, những vật tư, trang thiết bị tại các bệnh viện điều trị Covid-19 đang thiếu trăm bề. Thiếu nhiều nhất hiện nay là khẩu trang N95 (đạt chuẩn), đồ bảo hộ (cấp 4), bơm tiêm điện, máy đo SpO2 chuyên dụng, monitor 5 thông số, đặc biệt là máy thở xâm lấn dòng cao dùng để điều trị cho các trường hợp nguy kịch…

Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh; thiếu trang thiết bị, đồ bảo hộ; cường độ làm việc tăng gấp đôi, gấp ba bình thường nhưng số ca tử vong vẫn tăng cao khiến cán bộ y tế cảm thấy bất lực… Chính bởi những tác động đó ảnh hưởng tới tâm lý của y, bác sĩ dẫn tới stress, sức khỏe giảm sút, giảm sức đề kháng.

PV: Ông có thể cho biết những lưu ý đối với nhân viên y tế trong quá trình làm việc để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Để giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, nhân viên y tế cần phải tuân thủ chặt chẽ, nhất quán các nguyên tắc thực hành trong hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể:

Thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong thăm khám, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường không khí khi thực hiện thủ thuật có tạo khí dung trên người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Kiểm soát tốt thông khí, môi trường, vệ sinh tay, sử dụng đầy đủ và đúng phương tiện phòng hộ cá nhân là các biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa lây nhiễm.

Điều quan trọng tiếp theo là mỗi nhân viên y tế phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng chống Covid-19, đủ thời gian; nếu tiêm lâu rồi thì phải bổ sung tiêm mũi thứ ba để nếu không may bị nhiễm Covid thì cũng chỉ ở mức độ nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng.

Cố gắng duy trì chế độ ăn uống, làm việc hợp lý; cần thiết phải thay đổi, luân phiên, không nên để một người làm quá lâu vì chúng ta xác định dịch Covid-19 còn kéo dài, không thể dập tắt trong một sớm một chiều.

PV: Nên chăng có một chế độ đặc thù cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch để mọi người yên tâm công tác, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Dẫu biết dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kinh tế, nhưng Nhà nước vẫn nên đảm bảo được về lương, chế độ phụ cấp về chống dịch, chế độ trực cho nhân viên để mọi người yên tâm công tác, tôi nghĩ đây cũng là điều anh em cán bộ y tế mong muốn.

Chúng ta cũng biết, hiện nay vắc-xin vẫn còn đang khan hiếm, Chính phủ có quy định về đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin. Theo tôi, người thân của nhân viên y tế cũng cần được quan tâm, ưu tiên tiêm vắc xin bởi nhân viên y tế không phải lúc nào cũng túc trực ở cơ quan, ở trong khu có dịch; khi họ về nhà thì khả năng lây nhiễm cho người thân của mình cũng sẽ cao hơn so với người khác. Việc quan tâm tới người thân của nhân viên y tế bằng cách ưu tiên tiêm vắc-xin vừa để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, vừa để lực lượng y tế yên tâm làm nhiệm vụ, an tâm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.

PV: Xin cám ơn bác sĩ!

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Bùi Văn Xuyền cho rằng: Nhà nước, các cấp chính quyền cần quan tâm và cần thiết ban hành chính sách hỗ trợ nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19; trong đó cần quan tâm tới phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, việc ban hành chính sách phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện cơ sở, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước, cũng như cân đối chung với các hoạt động khác, đảm bảo hài hòa để chính sách được ban hành có sự khả thi trong thực tế đời sống.

Theo quan điểm của ĐBQH khóa XIV Bùi Văn Xuyền: Công cuộc chống dịch còn lâu dài, hậu phương của lực lượng chống dịch chính là nguồn động viên cả về vật chất và tinh thần lớn nhất đối với họ. Trong điều kiện hiện, việc xem xét, ưu tiên tiêm vắc-xin cho người nhà của nhân viên y tế cũng được xem như một chế độ ưu đãi, sự quan tâm và là nguồn động viên để lực lượng tuyến đầu yên tâm làm nhiệm vụ.

Nguyễn Thị Thúy Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-chinh-sach-ho-tro-nhan-vien-y-te-tham-gia-chong-dich-covid-19-a558479.html