Thủ tục tất toán khoản vay khi người vay tiền đã chết

Bạn đọc hỏi: Tôi có 1 vấn đề muốn nhờ luật sư FDVN tư vấn là: Sổ đỏ bà nội nhà chồng tôi đứng tên. Khi bà nội còn sống bà nội chồng tôi đã vay vốn ngân hàng đến khi bà nội chồng tôi chết vẫn tiếp tục trong quá trình vay vốn. Và đã kết thúc hoàn tất Thanh toán khoản tiền cả gốc và lãi với ngân hàng. Giờ tôi muốn lấy sổ đỏ ra thì phải làm như thế nào? Bố chồng tôi đã chết. Giờ chỉ còn chồng tôi là cháu đích tôn.

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bà nội của chồng bạn là người có quyền sử dụng đất, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà nội chồng bạn có vay vốn Ngân hàng, đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất cho Ngân hàng.

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Với nội dung bạn thông tin, đối chiếu các quy định đã viện dẫn nêu trên, thấy rằng do giữa bà nội của chồng bạn và Ngân hàng đã xác lập hợp đồng vay tài sản (tiền). Bà nội là bên vay tài sản là người phải có trách nhiệm trả tiền cho Ngân hàng khi đến hạn. Hiện khoản vay đã kết thúc, đã thanh toán cả tiền gốc, lẫn lãi. Tuy nhiên, tài sản thế chấp vẫn chưa được lấy ra do bà nội đã mất.

Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 về Quyền thừa kế: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Bà nội của chồng bạn là Người có quyền sử dụng đất, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng nên sau khi bà nội qua đời tài sản nhà đất này được hiểu là di sản thừa kế.

Hiện chưa rõ bà nội mất có để lại di chúc hay không. Bởi trường hợp bà nội để lại di chúc thì theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì đây là việc một người thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy nên, người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có quyền hưởng di sản mà người chết để lại.

Trường hợp bà nội mất không để lại di chúc nên phần di sản sẽ được thừa kế theo pháp luật theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015: “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”

Hiện chưa rõ thông tin bạn cung cấp hàng thừa kế đối với bà nội hiện còn những ai, mà chỉ thể hiện chồng bạn là cháu đích tôn. Ở đây cần xác định rõ hàng thừa kế thứ nhất của người bà nội còn ai, những người đó sẽ cùng được hưởng phần di sản của người bà nội để lại với các kỷ phần bằng nhau.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 57 Luật Công chứng 2014: “1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”

Theo quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật Công chứng 2014: “Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”

Như vậy, để được nhận được di sản thừa kế thì người thừa kế có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản. Khi thực hiện xong thủ tục tại tổ chức hành nghề công chứng, chứng minh mình là người thừa kế, có quyền liên quan đến tài sản mà người thừa kế để lại thì liên hệ với ngân hàng để yêu cầu thực hiện thủ tục giải chấp, nhận lại tài sản.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thu-tuc-tat-toan-khoan-vay-khi-nguoi-vay-tien-da-chet-a558836.html